Indonesia cảnh báo nguy cơ “xung đột mở” tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
VOV.VN - Indonesia - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN 2023 cảnh báo các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc “rất có thể leo thang thành xung đột mở” nếu không được kiểm soát đúng cách.
Những năm gần đây chứng kiến cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước những cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Một số quốc gia lựa chọn chiến lược ngoại giao để cân bằng ảnh hưởng, trong khi những quốc gia khác thúc đẩy các nhóm liên kết an ninh, đề phòng các tình huống bất ngờ xảy ra trong khu vực.
Hiện cũng có nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh của Đông Nam Á cũng như tác động tới các nước khu vực trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute có trụ sở tại Singapore thực hiện cho thấy 41,9% coi căng thẳng quân sự gia tăng phát sinh từ các điểm nóng tiềm ẩn như Biển Đông, là một trong 3 thách thức hàng đầu gây nguy hiểm cho khu vực. Khoảng 73% người tham gia nghiên cứu coi ASEAN đang trở thành một đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc lớn. Trong khi đó, gần một nửa số người được hỏi cho rằng các hành động thù địch có tác động gây bất ổn cho khu vực.
Là Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia khẳng định kiểm soát tốt tác động của sự cạnh tranh trong khu vực, khuyến khích hợp tác cụ thể và toàn diện là ưu tiên của ASEAN trong năm nay. Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi khẳng định sự cần thiết phải giữ cho khu vực không có vũ khí hạt nhân và duy trì tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Theo bà Marsudi, căng thẳng có thể giảm bớt thông qua hợp tác toàn diện. Nếu không được quản lý tốt, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc rất có thể leo thang thành một cuộc xung đột mở.
Kể từ khi đảm nhận chức chủ tịch ASEAN, Indonesia cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ tăng cường “sự linh hoạt” của các cơ chế ASEAN, như Diễn đàn Đông Á (EAS) và Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, nhằm đối phó với những thách thức hiện nay như căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan. Indonesia cũng đảm bảo ASEAN không chịu sự chi phối từ bất cứ "lực lượng ủy nhiệm" nào.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh không nên có sự ép buộc và không có quốc gia nào có quyền ra lệnh cho quốc gia khác phải làm gì. ASEAN đang tích cực theo đuổi “quan hệ đối tác bình đẳng” với các cường quốc và các khối khác; sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trên cơ sở bình đẳng./.