Indonesia không bán đấu giá nhóm đảo không người ở
VOV.VN - Chính phủ Indonesia khẳng định không bán đấu giá nhóm đảo bảo tồn Widi ở tỉnh Bắc Maluku, phía đông bắc đảo Bali, đồng thời thu hồi thỏa thuận về việc sử dụng nhóm đảo không người ở này.
Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật và an ninh Indonesia, ông Mahfud MD ngày 14/12 khẳng định Bộ Nội vụ Indonesia chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ bán đấu giá nhóm đảo Widi.
Ông Mahfud cũng cho biết chính phủ nước này đã chính thức thu hồi Bản ghi nhớ (MoU) giữa chính quyền địa phương và công ty PT Leadership Islands Indonesia (LII) có trụ sở ở Bali về việc sử dụng nhóm đảo Widi. Bản ghi nhớ được ký kết năm 2015, cho phép LII quyền quản lý 30 năm với nhóm đảo Widi. Theo Bộ trưởng Mehfud MD, các điều khoản, nội dung của Bản ghi nhớ không tuân theo bất kỳ luật lệ hiện hành nào của Indonesia.
Chính quyền Indonesia đưa ra phản ứng sau khi LII được cho là hợp tác với Nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s rao bán đấu giá nhóm bất động sản gồm hơn 100 đảo nguyên sơ, không có người ở thuộc Khu bảo tồn Widi. Những người tham gia đấu giá được yêu cầu đặt cọc ít nhất 100.000 USD để chứng minh có ý định nghiêm túc. Công ty LII cho biết họ có kế hoạch xây dựng chưa tới 0,005% diện tích khu bảo tồn và muốn thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi quy định của Indonesia là dành khoảng 30% diện tích đất cho việc bảo tồn.
Tuy nhiên, việc bán đấu giá để phát triển nhóm đảo Widi vẫn gây tranh cãi trong công chúng Indonesia, đặc biệt là các nhà môi trường chỉ trích do lo ngại tác động tiêu cực đến sinh kế người dân và môi trường tự nhiên, gồm sự phá hủy những bãi biển cát trắng mịn và các rạn san hô. Trước sức ép dư luận, cuộc đấu giá dự kiến diễn ra trong tháng 12/2022 đã bị hoãn lại.
Trải dài 315.000 héc-ta với các rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, đầm phá, hồ và bãi biển, khu bảo tồn Widi được đánh giá là một trong những hệ sinh thái đảo san hô nguyên vẹn nhất còn sót lại trên trái đất, là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, chim, côn trùng quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng như cá voi xanh, cá mập voi…
Một số nhà môi trường cho biết nhóm đảo Widi đối mặt với 2 vấn đề nghiêm trọng là sự chìm xuống do mực nước biển dâng và sự xuất hiện của ngành khai mỏ. Theo họ, việc “bán” các đảo ở Khu bảo tồn Widi sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc quản lý hàng ngàn đảo nhỏ khác của Indonesia, trong khi mọi đảo không có người ở đều có chức năng sinh thái, văn hóa và chiến lược.
Trong khi đó, công ty LII quảng bá quần đảo này là nơi có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng và nhà ở sang trọng trên 17 hòn đảo, cũng như có thể xây dựng đường băng tư nhân dài 1.000m để máy bay cỡ nhỏ có thể hạ cánh. Khu bảo tồn Widi chỉ có thể đến bằng máy bay riêng và cách sân bay quốc tế Gusti Ngurah Rai của Bali khoảng 2 giờ 30 phút bay. Trong 7 năm qua, LII chưa triển khai bất cứ hoạt động xây dựng hạ tầng nào ở đây.
Luật Indonesia không cho phép tư nhân sở hữu các đảo, nhưng một doanh nghiệp cổ phần sở hữu bất động sản có thể bán lại cổ phần cho bất kỳ ai và có thể phát triển hòn đảo theo ý muốn. Người phát ngôn Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Wahyu Muryadi cho biết công ty LII chưa có giấy phép kinh doanh bất động sản và quần đảo không thể thuộc sở hữu của người nước ngoài hoặc được mua đi bán lại ./.