Indonesia tuyên bố gần 100% người dân đã có kháng thể, nhà dịch tễ học nói gì?
VOV.VN - Chính phủ Indonesia (Indonesia) tuyên bố gần 100% người dân Indonesia đã có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 sau hơn 2 năm đối mặt với đại dịch. Tuy nhiên các nhà dịch tễ học vẫn cảnh báo về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Gần 100% dân số Indonesia đã có kháng thể
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đã xuống mức thấp nhất trong vài tháng qua chỉ với khoảng 500 ca mắc mỗi ngày. Tuy nhiên, lo ngại một đợt bùng phát mới có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới đây, Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Y tế phối hợp với Đại học Indonesia đã tiến hành nghiên cứu kháng thể chống virus trong cộng đồng, nhằm đưa ra chính sách đối phó với đại dịch trong dịp lễ này.
Kết quả khảo sát cho thấy, lượng kháng thể của người dân Indonesia đã tăng lên đến 99,2%. Phát biểu tại họp báo ngày 19/4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, kháng thể có trong cộng đồng đạt được nhờ chương trình tiêm chủng quốc gia và do người dân đã nhiễm Covid-19. Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát, Chính phủ Indonesia tin tưởng kháng thể cao sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do đại dịch. Điều này sẽ giúp cho tháng lễ Ramadan nhịn ăn linh thiêng và ngày lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo tại quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi diễn ra suôn sẻ, không gây tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt khi hàng triệu người dân sẽ trở về quê trong dịp này.
Trước đó, năm 2021, chính phủ Indonesia đã tiến hành cuộc khảo sát tương tự với kết quả 88,6% dân số Indonesia đã có kháng thể.
Nhà dịch tễ học cảnh báo đợt dịch mới
Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học Indonesia vẫn cảnh báo về nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới. Nhà dịch tễ học Dicky Budiman cho rằng, kháng thể hay khả năng miễn dịch của cơ thể với virus SARS-CoV-2 không phải là vĩnh viễn, do đó, kết quả cuộc khảo sát trên chỉ cho thấy sự gia tăng kháng thể, chứ không đảm bảo một đợt bùng phát đột biến sẽ không xảy ra nữa. Ngoài ra, theo nhà dịch tễ học này, kết quả khảo sát huyết thanh không cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình trạng của các nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người mắc bệnh nền và trẻ em.
Đây là nhóm cộng đồng chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, cụ thể là trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi bị suy giảm khả năng miễn dịch. Thêm nữa, khả năng miễn dịch của cơ thể chỉ kéo dài khoảng 5 tháng sau khi tiêm chủng. Do đó, cùng với việc giảm số lượng xét nghiệm, việc theo dõi các ca mắc Covid-19 sẽ trở nên không sát sao và các ca lây truyền sẽ vẫn diễn ra trong cộng đồng.
Nhà dịch tễ học Dicky nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự gia tăng tiềm năng của các ca mắc Covid-19 ngay cả với số lượng vừa phải. Ông đề xuất chính phủ tiếp tục tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, đặc biệt là các mũi tiêm tăng cường.
Số liệu từ Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Indonesia cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 163 triệu người trong tổng số 267 triệu dân Indonesia đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19. Cùng với đó, có hơn 31 triệu người đã tiêm chủng mũi tăng cường./.