Iran đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc để tăng cường vị thế
VOV.VN - Thời gian qua, lãnh đạo và giới chức cấp cao Nhà nước Hồi giáo Iran tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, tập trung thúc đẩy hợp tác và tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực và thế giới. Mục tiêu nhằm củng cố và mở rộng vai trò, vị thế, lợi ích của Tehran tại khu vực và trên toàn thế giới.
Chỉ trong hai ngày 17-18/8, mặt trận đối ngoại của Iran ghi nhận hàng loạt cuộc liên lạc và tiếp xúc quan trọng với các cường quốc hàng đầu khu vực và thế giới. Mới nhất, ngày 18/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, năng lượng và vận tải; đồng thời tăng cường nỗ lực phối hợp trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Một ngày trước đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tập trung thảo luận về hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy các mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, giao thông và bảo vệ môi trường. Văn phòng Tổng thống Iran ra thông báo khẳng định Tổng thống Nga bày tỏ sẵn sàng nâng cấp quan hệ song phương lên các khuôn khổ và cấp độ khu vực.
Tuy nhiên, động thái đối ngoại đáng chú ý hơn cả là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đến Saudi Arabia sau 7 năm hai nước gián đoạn quan hệ. Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài hai ngày (17-18/8), nhiều cam kết quan trọng liên quan đến quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, đã được giới chức hai nước thống nhất.
Giới phân tích cùng nhiều chính khách khu vực đánh giá, việc khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Saudi Arabia, quốc gia đầu tàu trong thế giới A rập và là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, là một thắng lợi lớn của Iran trong nỗ lực phá vỡ thế cô lập do phương Tây áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran cùng nhiều vấn đề khu vực nổi cộm khác. Tiến triển này không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thân cho hai nước, nhất là với Iran, mà còn có tác động tích cực đến xu thế hòa giải và hợp tác được hình thành những năm qua tại Trung Đông – khu vực vốn luôn được coi là điểm nóng của thế giới trong nhiều thập niên qua.