Iran được cho đã triển khai tên lửa đạn đạo đến Iraq
VOV.VN - Hiện có một số thông tin cho rằng Iran đã triển khai tên lửa đạn đạo trên đất Iraq. Có thể Iran đang muốn gửi đi thông điệp cứng rắn.
Theo một số nguồn tin phương Tây và khu vực, Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo cho các nhóm vũ trang người Hồi giáo Shiite ở Iraq cũng như tăng cường năng lực tên lửa tại đây để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của họ ở Trung Đông và sẽ sử dụng phương tiện này để tấn công các kẻ thù.
Tên lửa đạn đạo Iran. Ảnh: CBS News.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Iran đang chuẩn bị một chính sách tên lửa mạnh mẽ hơn ở Iraq sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với Mỹ, cũng như gây khó khăn cho nỗ lực của châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận Iran.
Theo nguồn tin, Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo cho các lực lượng ở Iraq trong vài tháng qua và Iran cũng đang giúp các nhóm này bắt đầu tự mình phát triển tên lửa.
Một số nguồn tin cho rằng, đây có thể là một kế hoạch dự phòng nếu Iran bị tấn công. Số lượng tên lửa không nhiều nhưng có thể được tăng cường nếu cần thiết. Việc triển khai năng lực tên lửa tại Iraq nhằm cải thiện khả năng của Iran trả đũa bất cứ vụ tấn công nào của phương Tây và các nước Arab vào lãnh thổ nước này, cũng như mở rộng các lựa chọn để có thể tấn công các đối thủ trong khu vực.
Nếu được xác nhận, việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho các lực lượng tại Iraq được cho là gửi đi một cảnh báo tới Mỹ và Israel. Theo phương Tây, Iran đang biến Iraq trở thành một căn cứ tên lửa.
Tên lửa Zelzal, Fateh-110 và Zolfaqar có tầm bắn 200 đến 700km có thể đặt thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hay thành phố Tel Aviv của Israel trong tầm ngắm không kích nếu các loại vũ khí này được triển khai tại miền nam hay miền tây Iraq.
Các quan chức Iran, chính phủ và quân đội Iraq chưa đưa ra phản ứng về thông tin này. Trước đó nguồn tin tình báo Iraq cũng cho biết, chính phủ nhận thức được các hoạt động vận chuyển tên lửa của Iran đến lực lượng vũ trang người Shiite tại Iraq để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, các hoạt động vận chuyển này vẫn được tiếp tục sau khi IS bị đánh bại.
Các nước EU đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ EU đang “lực bất tòng tâm” trước sức ép của Mỹ. Giới phân tích cho rằng, EU hiện vẫn đang quá phụ thuộc vào Mỹ để có được an ninh và thịnh vượng.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "ai kinh doanh với người Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ” đã kéo một loạt các tập đoàn lớn của châu Âu ra khỏi Iran. Đây là “thế khó của châu Âu” trong nỗ lực “giải cứu” bài toán thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei mới đây cũng phải đặt câu hỏi về khả năng của các nước châu Âu cứu vãn thỏa thuật hạt nhân và cho rằng Iran có thể từ bỏ thỏa thuận này.
Iran bác bỏ kêu gọi đàm phán của Pháp về thỏa thuận hạt nhân
“Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta nên tiếp tục giữ mối quan hệ với các nước châu Âu. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá hi vọng vào sự hỗ trợ của các nước châu Âu trong bất cứ vấn đề từ hạt nhân đến kinh tế. Sẽ không nên quá mong chờ vào kết quả này”.
Mặc dù thúc đẩy khả năng phòng vệ trước bất cứ mối đe dọa nào nhưng Iran vẫn tôn trọng thỏa thuận đã kí với các cường quốc. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 31/8 công bố báo cáo khẳng định Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini hoan nghênh thông tin này, cho rằng việc Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân là một tin tốt lành khi EU cũng đang tiếp tục nỗ lực để duy trì thỏa thuận này. Bà khẳng định các quốc gia thành viên EU vẫn đang hợp tác với các quốc gia ngoại khối khác để đảm bảo người dân Iran hưởng lợi từ các mối quan hệ kinh tế./.