Iraq đơn độc trong cuộc chiến “giáp lá cà” với IS?
VOV.VN - Ngày 29/10, hơn 150 tay súng người Kurd từ Iraq đã lên đường chi viện cho lực lượng người Kurd ở thị trấn Kobani, phía Bắc Syria.
Đến nay, quân đội Iraq và các tay súng người Kurd ở Iraq vẫn là lực lượng duy nhất chiến đấu trực tiếp với phiến quân IS ở Iraq và Syria với sự hỗ trợ của không quân Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang phải dần thừa nhận rằng, chiến dịch không kích là không đủ để tiêu diệt tổ chức IS và vẫn đang bế tắc do không có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan chức cấp cao đảng Dân chủ người Kurd (KDP) ở Iraq, ông Hemin Hawrami cho biết, các tay súng người Kurd của Iraq sẽ bay từ sân bay Arbil ở miền Bắc sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đây hành quân đến thị trấn biên giới Kobani của Syria.
Trong khi đó, quan chức phụ trách các tay súng người Kurd tại Iraq, ông Mustafa Sayyid Qader cho biết, sẽ không có giới hạn nào về mặt thời gian tham chiến của lực lượng này tại Kobani.
Phó đặc phái viên do Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ định để xây dựng liên minh chống IS, ông Brett McGurk đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh việc triển khai các tay súng người Kurd từ Iraq cùng vũ khí đạn dược đến chi viện cho Kobani.
Khi đi qua cửa khẩu biên giới Habur giữa Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng này cũng đã nhận được sự chào đón của người Kurd ở đây.
Một người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trong đám đông này chia sẻ: “Đây là một cử chỉ đẹp. Không ai làm điều mà lãnh đạo người Kurd ở Iraq Masoud Barzani đang làm. Ông ấy đã chìa bàn tay ra cho những người anh em đang bị mắc kẹt ở Kobani. Tất cả chúng tôi đều ủng hộ ông ấy”.
Tuy nhiên, cảnh sát chống bạo động của Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ súng bắn chỉ thiên và dùng hơi cay để giải tán đám đông chào đón các tay súng người Kurd từ Iraq.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ vốn không muốn các binh sĩ nước ngoài đi qua nước này để đến chi viện cho Kobani song dưới sức ép từ các đồng minh phương Tây, Ankara tuần trước đã phải đồng ý cho các tay súng người Kurd tại Iraq thực hiện cuộc hành quân này.
Về vấn đề tham chiến trực tiếp, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, chừng nào phương Tây chưa đưa bộ binh đến Syria thì nước này cũng không thể mạo hiểm đẩy binh sĩ của họ vào vùng nước sôi lửa bỏng.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận rằng, chỉ tiến hành các cuộc không kích sẽ không thể đẩy lùi phiến quân Nhà nước Hồi giáo mà phải cần một chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, ông Davutoglu không tiết lộ liệu Thổ Nhĩ Kỳ hay các đồng minh phương Tây có cam kết đưa quân đến Syria hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh BBC của Anh phát tối 28/10, ông Davutoglu nêu rõ: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Kobani, tôi chắc rằng báo chí và dư luận quốc tế sẽ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào tình hình nội bộ của nước khác. Cách duy nhất để giúp Kobani trong bối cảnh các nước khác không muốn gửi quân đến đây là phải huấn luyện một lực lượng hòa bình và trung lập mà theo tôi là các tay súng người Kurd ở Iraq, một bộ phận của quân đội Iraq được Hiến pháp công nhận và lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA)”.
Mỹ đã cam kết vũ trang cho phe đối lập Syria chiến đấu chống lại phiến quân IS nhưng còn chần chừ vì chưa thể xác định được những nhóm thật sự trung lập và hiệu quả trong khối đối lập hỗn tạp của Syria.
Do đó, có thể nói đến nay Iraq vẫn đơn độc trong cuộc chiến “giáp lá cà” với phiến quân IS.
Biên tập viên kỳ cựu của tạp chí “Cựu chiến binh ngày ngay” (Veterans Today) chuyên về các vấn đề ngoại giao và quân sự Gordon Duff nhận định: “Iraq không nên đứng đơn độc trong vấn đề này như họ đang phải làm. Tình thế hiện nay sẽ không xảy ra nếu Mỹ xây dựng một quân đội Iraq vững mạnh, điều mà họ đáng lẽ phải làm trong 10 năm đóng quân tại đây với số tiền hàng tỷ USD”./.