Iraq: khủng hoảng leo thang sau vụ lãnh sự quán Iran bị đốt phá
VOV.VN - Khủng hoảng ở Iraq ngày 7/9 đã bị đẩy lên một nấc thang mới sau khi lãnh sự quán Iran tại thành phố dầu mỏ miền Nam Bassora bị đốt phá.
Chỉ trong chưa đầy 1 tuần qua, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Bassora và Quốc hội Iraq hôm nay đã phải triệu tập một cuộc họp bất thường.
Người biểu tình Iraq. (Ảnh: AP)
Vụ tấn công nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao của Iran, quốc gia láng giềng có ảnh hưởng ngày một lớn tại Iraq, đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong làn sóng biểu tình kéo dài từ tháng 7 vừa qua tại miền Nam Iraq. Các cuộc biểu tình là nhằm phản đối tình trạng tham nhũng tràn lan trong giới chính trị, cũng như sự xuống cấp của các dịch vụ công.
Trước tình trạng này, ngay đêm 7/9, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Haider al-Abadi đã yêu cầu các lực lượng an ninh nước này hành động quyết liệt chống lại những âm mưu lợi dụng người biểu tình để thực hiện hành vi phá hoại.
“Tôi đã ra lệnh điều tra nhanh chóng các vụ người biểu tình thiệt mạng để làm rõ chuyện gì đã xảy ra và lực lượng nào đứng đằng sau. Chúng ta cũng cần phải làm rõ tại sao lại xảy ra xung đột giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình và lý do tại sao lực lượng an ninh của chúng ta bị tấn công, cũng như ai đứng đằng sau” – ông Haider al-Abadi nói.
Trong một thông cáo, Bộ Chỉ huy chung các chiến dịch Iraq cho biết sẽ triển khai “các biện pháp an ninh quyết liệt”, cùng với “những hành động pháp lý nghiêm khắc”, đặc biệt cấm các cuộc tập trung và di chuyển đông người. Tuy nhiên, văn kiện không nêu chi tiết những biện pháp sẽ triển khai cũng như số lượng các binh sĩ được tăng cường.
Từ đầu tuần qua, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung trước trụ sở các cơ quan công quyền, nhà riêng của các quan chức chính phủ, cũng như trụ sở các đảng phái và nhóm vũ trang tại thành phố.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi những người biểu tình hôm qua đốt phá Lãnh sự quán Iran và bao vây một mỏ dầu ở phía Bắc Bassora. Họ kêu gọi cải thiện dịch vụ công yếu kém, tình trạng mất điện, nước, ô nhiễm và nạn tham nhũng. Ước tính tại tỉnh này đã có tới 30.000 người phải nhập viện do ô nhiễm nguồn nước.
Bộ Ngoại giao Iraq ngày 7/9 đã chỉ trích “hành vi phá hoại không thể chấp nhận được” của những người biểu tình quá khích, trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi chỉ trích đây là một âm mưu nhằm phá hoại mối quan hệ hữu nghị giữa Iran và Iraq.
Cuộc khủng hoảng xảy ra trong bối cảnh Iraq đang lâm vào tình trạng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua.
Không chỉ tại Bassora, tình hình an ninh và xã hội tại Iraq cũng có những diễn biến khá căn thẳng. Trụ sở nhiều cơ quan công quyền, đảng phái chính trị thời gian qua đã trở thành mục tiêu của các vụ phá hoại.
Cũng trong ngày 7/9, 3 quả đạn súng cối đã phát nổ trước khu vực Xanh, được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad và là nơi đặt trụ sở của các cơ quan công quyền, trong đó có Quốc hội.
Theo các nhà phân tích, vụ đốt phá lãnh sự quán Iran và những diễn biến an ninh, xã hội phức tạp hiện nay chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới tương quan lực lượng giữa các khối chính trị, đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với chính phủ tương lai tại Iraq, dù là thuộc bất kỳ đảng phái nào./. Quốc hội mới của Iraq nhóm họp lần đầu khi còn chưa ngã ngũ liên minh
Iraq thông cáo kết quả bầu cử Quốc hội sau khi kiểm phiếu lại bằng tay
Làn sóng biểu tình tiếp diễn mạnh mẽ tại Iraq