IS siết chặt vòng vây Kobani, Liên quân tìm cách đối phó
VOV.VN - Nếu chiếm được hai vị trí quan trọng này, nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ kiểm soát một vùng rộng lớn từ Iraq tới Syria.
Hôm qua (12/10), nhóm Nhà nước Hồi giáo đã điều vũ khí hạng nặng vây hãm thành phố Kobani, Syria. Trong khi đó, một cánh quân khác của nhóm Nhà nước Hồi giáo đang siết chặt vòng vây tại tỉnh Anbar, Iraq. Nếu chiếm được hai vị trí quan trọng này, nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ kiểm soát một vùng rộng lớn từ Iraq tới Syria. Trước tình thế nguy cấp này, dự kiến ngày mai, liên quân chống nhóm Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu sẽ nhóm họp nhằm bàn giải pháp chống lại nhóm chiến binh cực đoan.
Trong khi đó, tại thành phố chiến lược Kobani, Syria ít nhất 553 người được thống kê là thiệt mạng trong một tháng xung đột ở đây. Các binh sĩ người Kurd đang bảo vệ thành phố nói rằng, trên mặt đất, họ đang bị thua nhóm Nhà nước Hồi giáo về hỏa lực. Hiện lực lượng dân quân người Kurd ở Kobani đang nỗ lực để ngăn chặn các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo chặn nốt lối thoát cuối cùng cho dân thường vẫn còn mắc kẹt trong khu vực này, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự khẩn cấp. Hiện nhóm Nhà nước Hồi giáo đang bao vây ba mặt Đông, Nam và Tây Kobani. Điều này có nghĩa là người Kurd chỉ còn đường di chuyển duy nhất ở phía Bắc, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.Nếu bị chặn tại ngả này thì lực lượng người Kurd tại Kobani sẽ hoàn toàn bị bao vây.
Một chỉ huy người Kurd tại Kobani kêu gọi: “Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ chúng tôi chống lại sự khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Bởi vì trong thời gian này, chúng tôi đã chiến đấu một mình. Chúng tôi bị nhóm Nhà nước Hồi giáo khủng bố, giết hại phụ nữ trẻ em của chúng tôi. Chúng tôi cần được hỗ trợ để chúng tôi có cảm giác rằng, chúng tôi không đơn độc”
Theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura, nếu nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm được Kobani, các thường dân ở Kobani "rất có thể sẽ bị tàn sát", Ông Mistura kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các thiết bị quân sự cũng như những người tình nguyện vào Kobani giúp bảo vệ người Kurd tại Syria cũng như ngăn bước tiến của các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng gọi cuộc tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở thị trấn biên giới Kobani của Syria là một “thảm kịch”, bất chấp các cuộc không kích do Mỹ chỉ huy, song cho rằng nó “không xác định chiến lược của liên quân đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Phát biểu bên lề của hội nghị các nhà tài trợ Gaza ở Cairo, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết: “Tôi muốn nói rõ ràng rằng, những gì đang xảy ra tại Kobani không xác định các chiến lược của liên minh đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ qua những bi kịch xảy ra tại Kobani. Nhưng như chúng tôi đã nói, cần phải có thời gian để liên minh hoạt động hiệu quả, xây dựng được khả năng ứng phó của quân đội Iraq. Và để bắt đầu, trọng tâm đầu tiên cần tập trung là Iraq trong khi tiến hành phá hủy các trung tâm chỉ huy, trạm nhiên liệu và trung tâm đào tạo cuả nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria”.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội và xe tăng đến khu vực biên giới gần Kobani, nhưng bất chấp áp lực của Mỹ, Ankara vẫn khẳng định họ sẽ không tham gia cuộc chiến trừ khi việc này nằm trong một sự điều chỉnh chiến lược rộng lớn hơn của liên minh nhằm giúp phe đối lập tại Syria lật đổ Tổng thống Bashar Al Assad. Sự chậm trễ này của chính quyền Ankara đã gây ra làn sóng biểu tình ở các khu vực mà người Kurd sinh sống ở nước này. Người biểu tình cáo buộc chính phủ mặc dù đã triển khai xe tăng tới sát biên giới, song lại không làm gì để bảo vệ thị trấn.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dậm chân tại chỗ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo không chỉ khiến nước này phải chịu sức ép lớn từ dư luận trong nước mà còn gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và các đồng minh quốc tế.
Chính phủ Anh cho biết nước này sẽ cùng các đồng minh gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố nhóm Nhà nước Hồi giáo. Hiện các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt tại Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự cho liên minh quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Trong nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo, ngày mai, lần đầu tiên Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo quân đội từ 21 quốc gia trong liên minh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu tại Washington để thảo luận về các biện pháp đối phó nhóm Nhà nước Hồi giáo. Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tập trung vào việc huấn luyện và vũ trang cho lực lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria và các binh sĩ Chính phủ Iraq để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhưng cuộc họp cũng nhằm gửi đi một thông điệp tượng trưng, nhấn mạnh rằng Washington đang nhận được sự hỗ trợ rộng lớn của quốc tế cho chiến dịch chống nhóm nhà nước Hồi giáo./.