Israel - Palestine trước nguy cơ “chiến tranh tôn giáo”
VOV.VN -Vụ tấn công khủng bố hôm qua (18/11) nhằm vào một giáo đường Do thái ở Jerusalem đã đẩy căng thẳng giữa Israel - Palestine lên một nấc thang mới.
Chưa đầy 3 tháng sau cuộc chiến đẫm máu trên dải Gaza, hai quốc gia Trung Đông này lại đứng trước nguy cơ một cuộc chiến mới, mà hậu quả của nó thậm chí còn lớn hơn nhiều khi làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo.
Ông Netanyahu đồng thời chỉ trích Tổng thống Mahmoud Abbas đã “không hành động đủ” và cho rằng vụ tấn công là “hậu quả trực tiếp” của “sự kích động” từ phía Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và phong trào Hồi giáo Hamas.
“Là một quốc gia, chúng tôi sẽ chiến thắng mọi âm mưu khủng bố và những kẻ đứng đằng sau nó. Chúng tôi đang trong cuộc chiến dài hơi chống lại những kẻ khủng bố và nó không phải bắt đầu từ ngày hôm nay mà trong suốt quá trình đấu tranh thành lập Nhà nước Do Thái”. Thủ tướng Netanyahu nói.
Theo các nhà phân tích, vụ tấn công hôm qua nhằm vào một giáo đường tại Jerusalem, tâm điểm cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine chỉ như giọt nước làm tràn ly. Điều nguy hiểm hơn là nó đang làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo tại khu vực, khiến cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine càng trở nên không thể cứu vãn.
Trong khi chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Palestine không hành động đủ, thì người Israel lại dường như cố tình không hiểu nguyên nhân thực sự của tình trạng căng thẳng hiện nay lại xuất phát từ chính sách thù địch của chính phủ nước này đối với người Palestine. Với cái cớ là làn sóng khủng bố mạnh mẽ nhằm vào Jerusalem, nước này đã phớt lờ những kêu gọi của cộng đồng quốc tế và của ngay cả đồng minh Mỹ.
Bộ Ngoại giao Israel hôm qua khẳng định nước này không chấp thuận bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái ở Ðông Jerusalem, vấn đề vốn là gốc rễ của những mâu thuẫn và thù hận với người Palestine.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua lên án mạnh mẽ các vụ tấn công, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine cùng nhau hành động nhằm làm dịu căng thẳng. Theo ông Obama, trong giai đoạn nhạy cảm này, điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo Israel và Palestine và người dân khu vực hợp tác nhằm làm dịu căng thẳng, từ bỏ bạo lực và tìm con đường đi tới hòa bình.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu một tài liệu, trong đó đề xuất một loạt “hành động” liên quan đến việc trừng phạt Israel vì các hoạt động xây dựng nhà định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Theo các nhà phân tích, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế rõ ràng là rất quan trọng, nhưng điểm cốt lõi vẫn nằm ở Israel và Palestine. Bởi nước xa không thể cứu được lửa gần.
Chính sách thù địch của Israel đang tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn, thổi bùng ngọn lửa thù hận ở người Palestine, trong khi người Palestine đang nóng lòng hiện thực hóa giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập. Vì thế, nếu các bên liên quan không thể hiện thiện chí, thì hơn lúc nào hết nguy cơ một cuộc “cuộc chiến tranh tôn giáo” sẽ trở nên hiện hữu và hòa bình Trung Đông sẽ chỉ mãi là bài toán không có lời giải./.