Italy đứng trước cơ hội cuối cùng hóa giải bế tắc chính trị
VOV.VN - Ngày 7/5, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã triệu tập tất cả các đảng phái lớn tới tham vấn việc thành lập chính phủ.
Đây được xem là nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc chính trị đã kéo dài 2 tháng qua tại Italy kể từ sau cuộc tổng tuyển cử.
Theo kế hoạch, trong buổi sáng thứ Hai, ngày 7/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ tiếp 3 đảng lớn nhất là Liên minh cánh hữu, do đảng Liên đoàn phương Bắc dẫn đầu, Phong trào 5 sao (M5S) và đảng Dân chủ.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella nỗ lực thu xếp thành lập chính phủ liên minh. Ảnh: AP
Đây là 3 lực lượng chính trị giành nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức cách đây hơn 2 tháng tại Italy, với lần lượt là 37% phiếu bầu cho Liên minh cánh hữu, 32% phiếu cho Phong trào 5 sao và 19% cho đảng Dân chủ.
Cuộc gặp này được giới quan sát nhận định sẽ là “cơ hội cuối cùng” để một chính phủ liên minh được thành lập ở Italy, bởi trước cuộc gặp, Tổng thống Mattarella đã cảnh báo, nếu các đảng không đạt được thoả thuận thì ông sẽ chỉ định thành lập một chính phủ kỹ thuật để điều hành đất nước.
Thế bế tắc chính trị hiện nay đã kéo dài từ sau cuộc tổng tuyển cử do không có lực lượng nào chiếm đủ đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ riêng.
Trong 2 tháng qua, các đảng đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhưng đều thất bại, trong đó, đáng chú ý nhất có việc Phong trào 5 sao đề nghị liên minh với Liên đoàn phương Bắc nhưng bị từ chối do Liên đoàn phương Bắc không muốn bỏ rơi các đảng khác trong Liên minh cánh hữu.
Báo chí Italy đưa tin, trong tối Chủ nhật (6/5), các đảng thuộc Liên minh cánh hữu đã nhóm họp ở Roma và đưa ra đề xuất, đề nghị Tổng thống Mattarella chỉ định ông Matteo Salvini, thủ lĩnh Liên đoàn phương Bắc làm Thủ tướng và liên minh cánh hữu cam kết sẽ tìm kiếm đủ số phiếu còn thiếu trong các đảng khác để chính phủ có được đa số phiếu ủng hộ trong Nghị viện Italy. Tuy nhiên, nhiều khả năng Tổng thống Italy, Mattarella sẽ bác bỏ đề xuất này.
Theo hiến pháp Italy, Tổng thống có quyền chỉ định 1 nhân vật trung lập đứng ra làm Thủ tướng và lập một chính phủ kỹ thuật để điều hành đất nước. Điều này từng diễn ra tại Italy với chính phủ của cựu Thủ tướng Mario Monti trong giai đoạn từ 2011 đến 2013./.
Thế bế tắc chính trị ở Italy vẫn chưa được tháo gỡ