Kinh tế châu Âu đã thoát khỏi khủng hoảng?
VOV.VN - Bộ trưởng Tài chính Eurozone hôm 14/11 nhóm họp tại Brussels, Bỉ.
Trong khi Ireland và Tây Ban Nha chuẩn bị thoát khỏi chương trình cứu trợ của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (EU/IMF) thì Hy Lạp gần như không đạt được tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán mới nhất với các bên cho vay quốc tế.
Một thực tế khác là 2 đầu tàu kinh tế Đức – Pháp có dấu hiệu giảm tốc trong quý 3 vừa qua cũng chứng tỏ châu Âu còn nhiều thử thách trên con đường tìm lại chính mình thời kỳ trước khủng hoảng. Với tuyên bố thoát khỏi chương trình cứu trợ vào tháng sau, Ireland là nước đầu tiên ở Eurozone đạt được “kỳ tích” này sau 3 năm vật lộn với các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ.
Vẫn có nhiều khác biệt trong vấn đề kinh tế của các quốc gia thành viên khu vực Eurozone (Ảnh AFP) |
Thủ tướng Ireland Enda Kenny cho biết: “Cơ quan quản lý Ngân khố quốc gia (NTMA) Ireland đã dự trữ được hơn 20 tỷ euro. Tăng trưởng đã trở lại khi nền kinh tế này khôi phục được tính cạnh tranh. Xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay và cán cân thanh toán đạt thặng dư lớn. Chúng tôi đang tạo thêm 3.000 việc làm mỗi tháng trong khi số người thất nghiệp hoặc k có việc làm ổn định giảm liên tiếp 16 tháng qua và lần đầu tiên xuống thấp hơn 400.000 người trong vòng 4 năm qua. Ireland đang đi đúng hướng và thâm hụt ngân sách đang giảm nhanh chóng”.
Kinh tế Ireland thoát khỏi suy thoái từ quý 2 năm nay nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 13% và sức tiêu thụ yếu do hậu quả của cắt lương và tăng thuế. Giá nhà đất, đặc biệt là ở Dublin đã được cải thiện song vẫn thấp hơn 50% so với đỉnh điểm năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng với Ireland, Tây Ban Nha cũng tuyên bố chấm dứt xin cứu trợ cho các ngân hàng của nước này vào cuối năm nay. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết, nước này hy vọng việc chấm dứt xin cứu trợ, đồng nghĩa với việc thoát khỏi “gông cùm” của những điều kiện khắc khổ, sẽ có những tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế Tây Ban Nha.
“Đây là một quyết định đúng đắn từ khía cạnh thanh khoản ngân hàng cho đến các gói cứu trợ. Đây không chỉ là tin tốt cho ngành ngân hàng và kinh tế Tây Ban Nha mà còn cho cả châu Âu”, ông Guindos cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan kiêm Chủ tịch luân phiên Nhóm Bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem đánh giá: “Hai nước này là ví dụ điển hình chứng mình chương trình cứu trợ có tác dụng và nên tiếp tục được triển khai. Tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng Eurozone giống như khai phá một vùng đất mới. Giờ đây chúng ta đã có một kinh nghiệm tốt, một ví dụ thành công để bước tiếp. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng”.
Danh sách các nước xin cứu trợ còn lại bao gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp, trong đó tình hình ở Hy Lạp dường như là tâm điểm lo ngại ở châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp tháng 8 vừa qua vẫn tiếp tục ở mức 27,3%, hơn gấp đôi mức trung bình 12,2% của khu vực Eurzone trong tháng 9, trong đó thanh niên thất nghiệp chiếm tới 60%.
Các quan chức châu Âu ngày 14/11 đồng loạt kêu gọi Hy Lạp khẩn trương thúc đẩy những nỗ lực cải cách cấu trúc và tiếp tục lộ trình hợp nhất tài chính cũng như tư nhân hóa để đổi lấy gói cứu trợ của quốc tế nhằm lấp đầy lỗ hổng 2 tỷ Euro ngân sách năm 2014.
Tuy nhiên, sau cuộc kiểm tra điều kiện của các bên cho vay hôm 4/11, tiến trình này đến nay vẫn chưa có tiến bộ nào. Chủ tịch luân phiên Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng Eurozone Dijsselbloem cho rằng vấn đề của Hy Lạp hiện nay không nằm ở khó khăn tài chính mà là những mâu thuẫn chính trị xung quanh chính sách này. Mặc dù vậy ông Dijsselbloem tái khẳng định khu vực đồng ơrô tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, những thông tin về kinh tế Đức và Pháp suy giảm trong quý 3 cũng khiến dư luận hoài nghi, phải chăng 2 đầu tàu kinh tế này đang “đuối sức” và điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến cả khu vực.
Khu vực đồng euro của một năm trước mong manh, bất ổn và đứng trước nguy cơ tan rã. Khu vực đồng euro của hiện tại đã bắt đầu đón những tin vui đầu tiên, một dấu hiệu mà giới chức châu Âu cho là thành quả của những chính sách đúng đắn.
Với 2 nước chấm dứt xin cứu trợ trong số 5 nước rơi vào khủng hoảng, có thể nói châu Âu đã đi được gần một nửa chặng đường tìm lại chính mình. Nhưng chặng đường còn lại chắc chắn sẽ còn nhiều thử thách, và quan trọng hơn là việc đặt nền móng cho những chính sách hậu khủng hoảng tài chính và nợ công, trong đó có vấn đề Liên minh Ngân hàng, để tránh lặp lại tình trạng này trong những năm tới./.