Lãnh đạo biểu tình muốn có 1 năm để cải cách Thái Lan
VOV.VN - Ông Suthep yêu cầu hoặc Chính phủ phải từ chức hoặc nhân dân sẽ buộc Chính phủ phải từ chức.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 13/12 cho biết ông cần khoảng 1 năm để hoàn tất việc cải cách của mình.
Ông Suthep và những người ủng hộ ông đã tiết lộ về những cải cách của họ bao gồm việc thành lập lực lượng công an tình nguyện, phân cấp quyền lực xuống địa phương và cải tổ việc bầu cử. Tuy nhiên, họ cũng chưa đưa ra chi tiết cụ thể về việc cải cách này.
Người biểu tình Thái Lan đang gây áp lực lớn đối với bà Yingluck (Ảnh AP) |
Trước những yêu cầu của người biểu tình, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã kêu gọi một cuộc bầu cử vào ngày 2/2/2014 để kết thúc việc biểu tình rầm rộ trên đường phố.
Tuy nhiên, ông Suthep đã bác bỏ lời kêu gọi này của bà Yingluck vì biết rõ rằng liên minh do anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra lãnh đạo sẽ dễ dàng giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử này.
Thay vào đó, ông Suthep đã yêu cầu thành lập một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để thay thế Chính phủ của bà Yingluck.
Ông Suthep cũng cho biết sẽ gặp gỡ các quan chức quân đội để thảo luận về chiến lược của mình, tuy nhiên ông từ chối thỏa thuận với bà Yingluck, người đang nắm giữ vị trí Thủ tướng tạm quyền sau khi Quốc vương Thái Lan phê chuẩn ngày bầu cử.
Trong khi đó, bà Yingluck tuyên bố sẽ tổ chức một diễn đàn vào ngày 15/12 để bàn thảo về những cải cách do ông Suthep đề xuất. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng những việc này sẽ chỉ được thực hiện sau cuộc bầu cử.
“Lời mời tham dự diễn đàn của bà Yingluck không có gì mới mẻ cả. Chúng tôi sẽ từ chối lời đề nghị này và sẽ không đàm phán gì hết”, ông Suthep nói.
“Thay vì đưa ra những bộ luật đem lại lợi ích cho nhân dân, bà Yingluck đã điều hành Chính phủ một cách sai trái để thu vén lợi ích cho một nhóm người và gột rửa sạch sẽ tội lỗi của ông Thaksin”, ông Suthep phát biểu liên quan đến Dự luật Ân xá được cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Theo ông Suthep, cách “nhẹ nhàng nhất” để thoát khỏi bế tắc hiện nay chính là việc bà Yingluck tự nguyện từ chức và để cho Hội đồng nhân dân của ông tiến hành các cuộc cải cách. Nếu bà không thực hiện việc này thì nhân dân sẽ chiếm lấy chính quyền.
“Một khi chúng tôi hoàn thành việc cải cách trong vòng 12-14 tháng, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường”, ông Suthep cam kết.
Tâm điểm chính trị tại Thái Lan hiện nay sẽ là cuộc gặp giữa các quan chức quân đội, ông Suthep và các bên liên quan để tìm ra “một lối thoát cho tình hình Thái Lan hiện nay”.
Trước đó, ngày 12/12, ông Suthep đã tìm kiếm sự ủng hộ của mình thông qua việc gặp gỡ với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp để trình bày về một “Hội đồng nhân dân” với tối đa là 400 đại biểu từ nhiều thành phần trong xã hội do ông khởi xướng. Trong số này sẽ có 100 đại biểu từ biểu tìnhcủa ông.
Trong khi đó, ngày hôm nay (13/12) Cơ quan Giám sát Tham nhũng Thái Lan sẽ bắt đầu thực hiện phiên điều trần với 312 nhà lập pháp trong đảng Pheu Thái của bà Yingluck về việc liệu họ có vi phạm pháp luật hay không khi cố thay đổi Hiến pháp khiến Thượng viện trở thành cơ quan dân cử toàn bộ.
Nỗ lực này sau đó đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bác bỏ vì cho là vi hiến./.