Lãnh đạo NATO: Ukraine sẽ quyết định đánh đổi bao nhiêu lãnh thổ vì hòa bình
VOV.VN - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/6 nói rằng, NATO muốn củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán, đồng thời khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ có sự thỏa hiệp, bao gồm cả lãnh thổ.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người đứng đầu NATO nói rằng, dù phương Tây sẵn sàng “trả giá” để tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ với Moscow để chấm dứt xung đột hiện tại.
“Hòa bình là có thể. Câu hỏi đặt ra là họ sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Họ sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, bao nhiêu chủ quyền… vì hòa bình”, ông Stoltenberg.
Ông Stoltenberg không đề xuất Ukraine nên chấp nhận những điều khoản nào, nói rằng “những người trả giá cao nhất sẽ đưa ra quyết định”, trong khi NATO và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để “củng cố vị thế của họ” khi một thỏa thuận cuối cùng được đàm phán.
Tổng Thư ký NATO không trực tiếp tán thành việc Ukraine nhượng lãnh thổ, nhưng ông đã nêu ra ví dụ của Phần Lan - quốc gia đã nhượng lại Tây Karelia cho Liên Xô như một phần của thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến 2. Theo ông Stoltenberg, thỏa thuận Phần Lan-Liên Xô là “một trong những lý do đưa Phần Lan ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.
Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Ukraine có thể sớm bị các nước phương Tây ép vào một thỏa thuận hòa bình. Trong khi các quan chức Mỹ và Anh công khai nhấn mạnh rằng Ukraine “có thể thắng” trong cuộc chiến với Nga, một bài báo của CNN gần đây cho thấy các quan chức ở Washington, London và Brussels đang họp nhằm tìm kiếm ngừng bắn và hòa bình mà không có người đồng cấp Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói rằng các bên nước ngoài đang cố gắng thúc đẩy Ukraine đạt được một thỏa thuận, do dư luận ở các quốc gia ủng hộ Ukraine ngày càng “mệt mỏi vì chiến tranh”.
Hồi tháng 5, cựu Ngoại trưởng, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger từng phát biểu rằng, Ukraine nên chấp nhận từ bỏ một bộ phận lãnh thổ của mình để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga.
Trong một phát biểu hôm 7/6, Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát, trong bối cảnh tình hình miền Đông đang rất khó khăn./.