Lầu Năm Góc nói không có dấu hiệu lính Triều Tiên di chuyển vào Ukraine
VOV.VN - Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 25/11 cho biết, Mỹ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại các mặt trận ở Ukraine.
"Những gì chúng ta đang thấy là quân đội Triều Tiên đang đóng quân xung quanh khu vực Kursk và hiện tại không di chuyển vào Ukraine", bà Singh phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 25/11.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc làm rõ các báo cáo về khoảng 11.000 lính Triều Tiên tập trung tại vùng Kursk của Nga đang thực hiện khóa huấn luyện cùng quân đội nước này. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc ngày 13/11 cho biết một số binh lính Bình Nhưỡng đang hỗ trợ Moscow trong xung đột với Ukraine.
Trong những tháng gần đây, Nga đã tập trung vào việc giành lại phần lãnh thổ đã mất ở Kursk từ tay Ukraine sau cuộc tấn công bất ngờ của các lực lượng Kiev vào khu vực này hồi đầu tháng 8. Theo nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Ukraine đã mất hơn 40% lãnh thổ mà nước này đã giành được trước đó ở Kursk sau đợt phản công lớn của Nga.
Tờ Telegraph đưa tin, các đồng minh NATO tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có mục tiêu giành lại lãnh thổ đã mất ở Tỉnh Kursk trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1/2025, với hy vọng giành thêm lợi thế trên bàn đàm phán.
Bà Singh cũng cho biết Mỹ chưa thể xác nhận thông tin về việc hơn 500 binh lính Bắc Triều Tiên đã thiệt mạng ở Kursk.
"Những gì chúng tôi đã nói trước đây là quân đội Triều Tiên đang ở khu vực Kursk và chắc chắn sẽ giao chiến với quân đội Ukraine. Tuy nhiên, tôi không thể xác nhận những báo cáo rằng đã có thương vong", bà Singh nói.
Ngày 6/11, Thượng viện Nga đã thông qua luật phê chuẩn Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên. Hiệp ước đã được ký tại Bình Nhưỡng hôm 19/6/2024 nhằm làm sâu sắc quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa hai nước. Hiệp ước nêu rõ, “nếu một trong hai bên bị một quốc gia hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật quốc gia của mình".
Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin có trụ sở tại Mỹ ngày 25/11 rằng Triều Tiên đang mở rộng một tổ hợp sản xuất vũ khí quan trọng chuyên lắp ráp tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23. Đây là loại vũ khí từng được Nga sử dụng để tấn công Ukraine.