LHQ thông qua nghị quyết về Ukraine: Phiên bỏ phiếu của sự chia rẽ
VOV.VN - Thế giới đang ngày càng đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc. Lời khẳng định này của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây đã được khắc họa rõ nét trong phiên bỏ phiếu về tình hình Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 diễn ra hôm qua (12/10).
Theo kết quả bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp tại New York, Mỹ ngày 12/10 đã thông qua nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine. Nghị quyết kêu gọi tất cả quốc gia, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế không công nhận bất kỳ tuyên bố sáp nhập nào của Nga và yêu cầu Nga hủy bỏ ngay lập tức tuyên bố sáp nhập các vùng trên.
Nghị quyết được thông qua với 143/193 phiếu thuận. 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và nhiều quốc gia còn lại không bỏ phiếu.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, ông Cảnh Sảng - Phó Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, một trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng nhận xét, phiên họp đã cho thấy thế giới đang phải đối mặt với sự chia rẽ lớn hơn bao giờ hết:
“Tác động đan xen của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với vô số thách thức bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tài chính khiến cho việc thực hiện các Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững càng khó khăn hơn. Tất cả các biện pháp trừng phạt thiên lệch sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Thay vào đó, chúng sẽ chỉ phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, thổi phồng tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng và ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân thế giới”.
Nhận định này của đại diện Trung Quốc được xem là sự phản ánh tuyên bố trước đó của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua.
Trong tuyên bố, ông Guterres từng nhắc đi nhắc lại nguy cơ về một kỷ nguyên mới của sự chia rẽ, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết để giải quyết các thách thức toàn cầu:
“Thế giới của chúng ta đang lâm vào tình trạng nguy hiểm và tê liệt. Sự chia rẽ địa chính trị đang phá hoại công việc của Hội đồng Bảo an, phá hoại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin của người dân vào các thể chế dân chủ và phá hoại mọi hình thức hợp tác quốc tế. Chúng ta không thể tiếp tục như thế này”.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh đầy biến động, cộng thêm những thách thức không nhỏ như khí hậu, xung đột, khủng hoảng lương thực, thế giới cần đến sự đoàn kết và đồng thuận hơn lúc nào hết. Thực tế cho thấy chỉ có sự đồng thuận, đoàn kết, thế giới mới có thể giải quyết dược những thách thức chung. Sự chia rẽ chỉ làm tê liệt phản ứng toàn cầu đối với những thách thức gay gắt mà thế giới phải đối mặt như xung đột, biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng./.