Liên minh châu Phi họp khẩn, bàn chiến lược ứng phó dịch bệnh Ebola
VOV.VN - Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, dịch bệnh Ebola đang thật sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát tại khu vực Tây Phi.
Trước sự cấp thiết phải có một kế hoạch tổng thể chống lại dịch Ebola, dự kiến, trong ngày 8/9, các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Phi sẽ họp khẩn cấp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Trong một tuyên bố, Liên minh châu Phi cho biết, cuộc họp khẩn lần này nhằm xây dựng vốn hiểu biết chung về căn bệnh Ebola và cân nhắc việc một số quốc gia thành viên đình chỉ hoạt động hàng không và đóng cửa biên giới trên cả đất liền lẫn trên biển với các nước có dịch.
Cuộc họp cũng nhằm mục đích xem xét các giải pháp ứng phó, từ đó đưa ra “bước tiếp cận tập thể” của toàn châu lục, trong đó có tính đến các tác động về mặt kinh tế, chính trị và xã hội do dịch bệnh Ebola gây ra.
Trong khi đó, các nước đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các quốc gia tại Tây Phi đối phó với căn bệnh này.
Ngày 7/9, chính phủ Sierra Leone tuyên bố nước này buộc phải "đóng cửa hoàn toàn" đất nước trong 3 ngày vào cuối tháng này nhằm kiềm chế dịch Ebola. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/9 tới. Theo đó, các phương tiện giao thông và khách bộ hành sẽ bị cấm hoạt động nếu không có việc gì cần thiết trong vòng 72 giờ.
Quyết định "bế quan tỏa cảng" của Sierra Leone cho thấy dấu hiệu của một sự bế tắc trong giải quyết dịch bệnh của quốc gia này, đồng thời cho thấy sự nghiêm trọng của dịch bệnh đã lên tới mức báo động toàn cầu.
Giống như Sierra Leone, nhiều quốc gia khác trong khu vực Tây Phi cũng đang áp dụng triệt để các biện pháp chống lại dịch bệnh. Liberia đang cho xây dựng 5 trung tâm điều trị mới cho những bệnh nhân nhiễm virus Ebola, với mỗi trung tâm có khoảng 100 giường bệnh.
Trong khi đó, Benin cũng đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa Ebola nhằm đảm bảo virus chết người này không lây lan vào nước này. Chính phủ Benin đã xây dựng một lộ trình bao gồm việc thiết lập các trạm kiểm soát tại các sân bay và biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
Ngoài ra, ít nhất 60 nhân viên y tế cũng đang được đào tạo tại một trung tâm phòng ngừa Ebola ở thành phố Cotonou.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của Đài Truyền hình NBC (Mỹ) ngày 7/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa để giúp kiểm soát tình trạng bùng phát dịch bệnh Ebola để ngăn chặn không cho dịch bệnh này bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mà một ngày nào có thể đe dọa tới cả các công dân Mỹ.
Ông Obama cho biết: “Nếu chúng ta không nỗ lực ngay từ bây giờ, dịch bệnh này không chỉ lan rộng ở toàn châu Phi mà còn lây lan tới nhiều khu vực khác của thế giới. Virus này có khả năng biến đổi và nó sẽ trở nên dễ lây truyền hơn và khi đó nó có thể đe dọa nghiêm trọng tới cả nước Mỹ”.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn 2.100 người thiệt mạng vì Ebola. Nguyên nhân một phần do hệ thống y tế yếu kém của chính phủ các nước Tây Phi, một phần do virus Ebola có tốc độ đột biến cực nhanh.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, sẽ mất vài tháng nữa mới có thể kiểm soát được dịch bệnh Ebola song đến lúc đó có thể sẽ có hơn 20.000 trường hợp nhiễm bệnh./.