Hội nghị WHO: Hy vọng về phương pháp điều trị Ebola
VOV.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hi vọng trong năm tới sẽ có vaccine chủng ngừa cũng như liệu pháp điều trị căn bệnh Ebola.
Hơn 150 chuyên gia y tế quốc tế đang nhóm họp tại Geneva, Thụy Sỹ trong hai ngày 4 và 5/9 để bàn về các phương pháp điều trị thử nghiệm hiện có nhằm chống lại virus chết người Ebola, căn bệnh đang gieo rắc nỗi kinh hoàng tại Tây Phi và trên toàn cầu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Ebola đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.900 người, hơn 3.500 người nhiễm bệnh chủ yếu ở khu vực Tây Phi.
Tại hội nghị, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động thêm nguồn lực tài chính, ít nhất cần khoảng 600 triệu USD cho cuộc chiến chống kẻ thù mang tên Ebola này. Bởi vì hiện các quốc gia Tây Phi đang phải hứng chịu một hậu quả tiêu cực lớn đối với nền kinh tế do dịch bệnh Ebola gây ra.
Bộ trưởng Y tế Guinea Younossa Ballo cho biết: “Tình hình hiện nay là vô cùng cấp bách để tìm ra điều gì đó để chống lại Ebola. Đây hiện là nỗi lo lớn nhất về những hệ lụy về kinh tế xã hội mà chúng tôi đang hứng chịu. Điều quan trọng nhất bây giờ là có đủ thuốc và vắc xin điều trị Ebola. Hi vọng, các nhà khoa học nhanh chóng phát triển thử nghiệm dựa trên những loại thuốc sẵn có”.
Các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Ebola đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt, đe dọa trực tiếp đến mạng sống của hàng nghìn người như hiện nay thì việc sử dụng các phương pháp điều trị dù chưa qua thử nghiệm lâm sàng thời gian qua vẫn được coi có “đạo đức” và “hợp lý”: Hiện nay, một số quốc gia như Anh, Mỹ và Canada đang bước đầu thử nghiệm thuốc điều trị Ebola.
Song, tại hội nghị này, các chuyên gia y tế đã tiến hành phân tích các khả năng thử nghiệm thuốc cũng như đánh giá các tiêu chí về sản xuất để từ đó quyết định xem thuốc nên sử dụng ở nơi nào trước tiên. Theo thông tin từ Hội nghị, trong tuần này, tập đoàn dược phẩm Glaxo SmithKline của Anh sẽ bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine ngừa Ebola và cuối năm nay, tập đoàn NewLink Genetics của Mỹ được WHO chính thức chỉ định thử nghiệm.
Giáo sư Charles Link, một nhà khoa học đến từ Mỹ nói: “Các thử nghiệm lâm sàng phải mất một thời gian. Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học đang nỗ lực nhất có thể để tiến hành các thử nghiệm sâu hơn. Đã có rất nhiều loại vaccine được thử nghiệm trên người song chưa được WHO công nhận. Chúng tôi có một số loại thuốc trị Ebola song vẫn chưa dám khẳng định bất cứ điều gì về hiệu quả của nó. Nhóm chúng tôi có mặt ở đây để hợp tác với các đồng nghiệp khác nhằm đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu đề ra”.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang chọn ra 10 loại thuốc có khả năng ngăn chặn Ebola. Trong đó có 8 loại thuốc điều trị và 2 loại vaccine chủng ngừa. Trong số các loại thuốc thì thuốc thử nghiệm Zmap của Mỹ được cho là tiềm năng nhất sau khi cho kết quả thành công trên khỉ và linh dương.
Cũng đã có một số bệnh nhân mắc Ebola được chữa khỏi bệnh sau khi dùng loại thuốc này. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định bất cứ loại thuốc được chỉ định điều trị Ebola sau này sẽ phải trải qua quy trình giám sát nghiêm ngặt và đảm bảo có rủi ro ít nhất.
Trước sự bùng phát được cho là chưa từng có tiền lệ về quy mô, mức độ phức tạp như hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới hi vọng với phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế thì đại dịch có thể sẽ được dập tắt trong vòng từ 6 đến 9 tháng tới./.