Liên minh quốc tế đẩy mạnh cam kết chống IS
VOV.VN -Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu sức ép trong và ngoài nước về việc tăng cường hỗ trợ cho liên minh quốc tế chống IS.
Trong một động thái làm tăng sức mạnh của Liên quân trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc đẩy mạnh tiêu diệt các thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai bên đạt được nhất trí vừa nêu trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Cũng trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về Syria, đặc biệt là tình hình tại Kobani và những biện pháp có thể thực hiện để chặn bước tiến của IS cũng như sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, thông cáo không đề cập đến việc Thổ Nhĩ Kỳ có đồng ý để Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria hay không.
Thông tin vừa nêu được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu sức ép trong và ngoài nước về việc tăng cường hỗ trợ cho liên minh quốc tế chống IS. Sở dĩ đến nay chính phủ của Thủ tướng Erdogan vẫn e ngại tham gia vào Liên minh quân sự chống IS là do nước này không muốn trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurd bởi điều này sẽ hình thành một lực lượng mạnh của người Kurd ở khu vực biên giới với Syria.
Trước thái độ phớt lờ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp lệnh cấm của Chính phủ, nhiều người dân đã vượt biên giới sang Syria để tham gia lực lượng chống lại IS. Một người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Nếu IS chiếm đánh Kobani và chúng tôi không làm gì, là không thể chấp nhận được. Dĩ nhiên là IS không dễ dàng tràn qua biên giới để sang đây được, nhưng chúng tôi cũng là người Kurd. Ở Kobani có nhiều họ hàng bà con chúng tôi. Tất cả người Kurd đều là anh chị em của chúng tôi. Chính vì thế anh trai tôi đã quyết định sang Syria để chiến đấu chống IS”.
Có thể thấy, hơn 135 cuộc không kích gần Kobani mấy tuần qua được xem là phép thử quan trọng cho chiến dịch không kích của Liên minh do Mỹ đứng đầu. Song song với các cuộc không kích, Mỹ cho biết còn tiếp tế thêm vũ khí, đạn dược vật tư y tế cho lực lượng người Kurd ở Iraq chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.
Nhằm gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến chống IS của Lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu, hôm qua Australia đã đạt được một thỏa thuận với Iraq về việc triển khai khoảng 200 lực lượng đặc biệt đến Iraq để hỗ trợ binh sĩ sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức nước Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu sau chuyến thăm hai ngày Bagdad, Ngoại trưởng Australia Julia Bishop cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về một khung pháp lý cho việc triển khai lực lượng đặc biệt của Australia tại Iraq với nhiệm vụ tham mưu, cố vấn giúp chính phủ Iraq trong việc nâng cao năng lực cho các lực lượng an ninh Iraq. Giờ sẽ chỉ còn vấn đề thời gian cho việc triển khai đến Iraq mà thôi”.
Sức mạnh tiến công hiện nay của IS đang tạo áp lực lên chính quyền của Tổng thống Mỹ và các nước đồng minh về việc triển khai các cuộc tấn công trên bộ và trên không. Nhà phân tích quân sự Antoni Cordeman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ nhận định, chiến dịch không kích kéo dài 2 tháng qua có vẻ như “quá chậm và nhỏ” so với quy mô tấn công của IS. Chính vì thế, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Obama sẽ thay đổi chiến lược chống IS bằng việc triển khai lực lượng bộ binh và gấp rút việc huấn luyện, đào tạo cho lực lượng an ninh nước sở tại./.