Lường trước mối đe dọa của biến thể MU, Indonesia thắt chặt cửa khẩu quốc tế
VOV.VN - Lường trước mối đe dọa biến thể MU của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Indonesia đã có bước đi sớm, thắt chặt các cửa khẩu quốc tế cả trên bộ, trên biển và đường hàng không, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các du khách nước ngoài.
Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Các bệnh Truyền nhiễm của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, Chính phủ nước này đang cố gắng ngăn chặn sớm sự xâm nhập của các biến thể mới từ bên ngoài Indonesia, trong đó có biến thể MU, thông qua việc thắt chặt cửa khẩu quốc tế, giám sát du khách nước ngoài cũng như đặt ra các yêu cầu về tiêm chủng vaccine Covid-19.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ về Xử lý Covid-19, Wiku Adisasmito, hiện chỉ có hai sân bay được sử dụng làm điểm nhập cảnh quốc tế theo đường hàng không là Sân bay Soekarno Hatta ở thủ đô Jakarta và Sam Ratulangi ở Manado, Bắc Sulawesi.
Trên đường biển, Indonesia cũng giới hạn các lối vào thông qua cảng Batam, Rimau và Nunukan ở Bắc Kalimantan. Trong khi đó biên giới đường bộ chỉ mở cửa khẩu Entikong ở Kalimantan.
Bên cạnh việc xuất trình giấy tiêm chủng 2 mũi vaccine Covid-19 cùng giấy xét nghiệm bằng phương pháp PCR âm tính, các du khách quốc tế sẽ phải trải qua quá trình cách ly bắt buộc 8 ngày và tiếp tục tiến hành các xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR thêm 2 lần.
Indonesia liên tục theo dõi và tiến hành giải trình tự gen với tất cả các du khách mắc Covid-19 để phát hiện biến thể mới. Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 1-6/9/2021, có 2% tổng số 7.179 du khách nhập cảnh Indonesia mắc Covid-19.
Theo Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Các bệnh Truyền nhiễm Indonesia, bà Siti Nadia, năng lực của phòng thí nghiệm giải trình tự bộ gen ở Indonesia có thể phát hiện các mẫu của biến thể Covid-19 trong vòng trung bình từ 4 đến 5 ngày.
Trước đó, biến thể Delta đã xâm nhập Indonesia thông qua đường biển, nơi chưa được chú trọng thắt chặt như đường hàng không, khiến các ca mắc Covid-19 tại Indonesia tăng cao chưa từng có.
Từ trong nước, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới, Chính phủ Indonesia tăng cường chiến lược tiêm chủng và các chính sách toàn diện khác nhau để giảm số ca mắc Covid-19. Tuy nhiên theo Người phát ngôn của Chính phủ về Xử lý Covid-19, Wiku Adisasmito, điều này chỉ có thể thành công nếu được thực hiện cùng với sự ủng hộ của cộng đồng trong việc duy trì giao thức y tế và thực hiện nghĩa vụ tiêm chủng.
Vào tháng 9, chính phủ Indonesia đã tăng mục tiêu tiêm chủng lên 2 triệu người mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu người vào cuối năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 42.329.062 triệu người Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19, tương đương với 20,32% mục tiêu đã đề ra./.