Mặt trận Đông Ghouta “rực lửa” khi 5 nhóm khủng bố liên thủ
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh tới lệnh ngừng bắn vừa được Hội đồng Bảo an thông qua, khẳng định đây là cơ sở cho giải pháp chính trị tại Syria.
Bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria, tình hình chiến sự tại Đông Ghouta, vùng ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus vẫn tiếp diễn kinh hoàng.
Xung đột leo thang đi cùng với các cuộc tấn công không ngừng của những nhóm phiến quân tại khu vực này nhằm vào quân đội Syria.
Tay súng thuộc lực lượng Jabhat al-Nursa. Ảnh: AFP |
5 nhóm khủng bố liên thủ tại Đông Ghouta
Thông báo ngày 25/2 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 5 nhóm khủng bố, trong đó có lực lượng Hồi giáo Jayish và Mặt trận al-Nusra, đã thiết lập trung tâm chỉ huy tại Đông Ghouta.
“Tình hình tại Đông Ghouta đang ngày càng tồi tệ. Tại khu vực này, các nhóm khủng bố là Jayish al Islam, Jabhat An-Nursa, Ahrar al-Sham, Failak Ar-Rahman và Fajr Al-Umma đã liên thủ và thiết lập một trung tâm chỉ huy các hoạt động của chúng tại đây”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Sáng cùng ngày, các nhóm phiến quân khủng bố vẫn tiếp tục tấn công nhằm vào các mục tiêu của quân đội Syria bất chấp lệnh ngừng bắn vừa được thông qua.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, lực lượng Hồi giáo Jayish dù đã cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn, song các đợt tấn công vẫn dồn dập từ khu vực do lực lượng này kiểm soát nhắm tới thủ đô Damascus của Syria. Tổng cộng 31 loạt đạn súng cối đã bắn vào Damascus trong 24 giờ qua.
Phía quân đội Syria cũng đã phát hiện và vô hiệu hóa một ô tô cài bom đang tiến tới Damascus từ khu vực do các nhóm khủng bố Failak Ar-Rahman và al-Nusra kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo thủ lĩnh các nhóm phiến quân khủng bố có thể có âm mưu sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta, sau đó sẽ đổ lỗi cho quân đội chính phủ Syria tấn công dân thường tại khu vực này. Mưu đồ này nhằm hạ uy tín của các chiến dịch chống khủng bố mà chính phủ Syria đang triển khai tại Đông Ghouta.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2401, yêu cầu ngay lập tức ngừng bắn và các bên tại Syria cam kết hướng tới một lệnh ngừng bắn dài hạn trên toàn lãnh thổ Syria để đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp có thể đến được tận tay người dân, cũng như sơ tán y tế với những người bị thương.
Chiến sự tại Đông Ghouta bùng phát từ hôm 18/2, khi quân đội chính phủ Syria triển khai chiến dịch mang tên “Damascus Steel”, nhằm quét sạch các lực lượng khủng bố và phiến quân bất hợp pháp khỏi khu vực này.
Mưa bom bão đạn đã trút xuống Đông Ghouta biến khu vực này thành “địa ngục trần gian” và trở thành mặt trận “rực lửa” sau 7 năm Syria chìm vào nội chiến. Tình hình nhân đạo tại Đông Ghouta nhanh chóng sụp đổ, khi các nhóm khủng bố tấn công đáp trả dữ đội quân đội Syria, đồng thời ngăn cản người dân thường ra khỏi vùng chiến sự.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chấm dứt chiến sự tại Đông Ghouta
Hình ảnh thương tâm lạnh người ở “địa ngục trần gian” Ghouta (Syria)
Truyền thông phương Tây cố ý làm trệch hướng dư luận?
Hàng loạt hàng truyền thông lớn của thế giới tiếp tục đưa ra cảnh báo về diễn biến chiến sự ác liệt tại Đông Ghouta, thậm chí so sánh sự khủng khiếp tại chiến trường Đông Ghouta với cuộc thảm sát Srebrenic tại Bosnia năm 1995. Song, họ tránh đề cập tới thực tế rằng khu vực này đang nằm trong sự kiểm soát của 2 nhóm khủng bố Hồi giáo mà lực lượng Syria đang nỗ lực đánh bật với chiến dịch ngày 18/2.
“Một thảm sát Srebrenia khác”, “Người dân Đông Ghouta đối mặt với nguy cơ bị thiêu cháy”, “Quân đội Syria tiếp tục một chiến dịch tấn công mới tại Đông Ghouta”… là những tít lớn xuất hiện trên tờ Người Bảo vệ (The Guardian), CNN và Al Jazeera…
Nhiều ý kiến cho rằng, một chiến dịch “tin tức giả” đang được các hãng truyền thông phương Tây và hãng tin Al Jazeera, có trụ sở tại Qatar, tiến hành nhằm làm mất uy tín các nỗ lực khôi phục hòa bình của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trên Thời báo New York (The New York Times) cũng có bài viết “Cuộc oanh tạc của Syria đã gây ra chết chóc lớn nhất trong nhiều năm qua”. Các số liệu bài báo đưa ra đều dự trên những gì mà Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, cung cấp.
Bên cạnh đó, thông tin quân đội Syria dội bom người dân thường tại Đông Ghouta và làm 500 người chết cũng đẩy Syria đến trước mũi dùi chỉ trích của dư luận quốc tế. Thực tế, thông tin và cáo buộc này do White Helmets đưa ra. Đây là một tổ chức không có danh tiếng và thường vướng vào các vụ đưa thông tin sai lệch…
Trong khi đó, phía Nga ra tuyên bố khẳng định sẽ "nghiêm khắc ngăn chặn" bất kỳ âm mưu nào nhằm phá hoại tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng con đường chính trị. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, nước này sẽ tiếp tục hợp tác với các bên tại Syria nhằm giải quyết triệt để cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này và xóa bỏ tận gốc mối đe dọa khủng bố.
Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, chính những nước hỗ trợ khủng bố phải chịu trách nhiệm cho tình hình Đông Ghouta. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Yuri Yevtushenko cũng khẳng định: “Tình hình nhân đạo và kinh tế xã hội tại Đông Ghouta đang ngày càng nghiêm trọng. Nga đưa ra kêu gọi hòa giải và chấm dứt hỗ trợ các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Các nhóm vũ trang phải giao nộp vũ khí và hành động của họ sẽ không mang lại bất cứ kết quả tích cực nào. Đàm phán về giải pháp hòa bình cho xung đột tại Đông Ghouta đã bị làm chệch hướng”.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang nhấn mạnh tới lệnh ngừng bắn vừa được Hội đồng Bảo an thông qua, khẳng định đây là cơ sở để thúc đẩy nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị trong khuôn khổ tiến trình hòa đàm về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Nghị quyết 2401 của Liên Hợp Quốc yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong 30 ngày. Chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường"./.
Yêu cầu ngừng bắn tại Syria, “đòn bẩy” cho một giải pháp chính trị?
Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết về lệnh ngừng bắn ở Syria