Miền Đông Ukraine hy vọng hòa bình lập lại sau bầu cử
VOV.VN - Ông Zakharchenko trở thành người đứng đầu chính quyền sau khinhận được hơn 765.000 phiếu bầu, tương đương khoảng 79% số cử tri đi bầu
Thủ lĩnh ly khai Donetsk Alexander Zakharchenko (giữa) trở thành người đứng đầu chính quyền (Ảnh: AFP).
Ông Zakharchenko đã nhận được hơn 765.000 phiếu bầu, tương đương khoảng 79% số cử tri đi bầu. Trong khi đó, ông Igor Plotnitsky, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng cũng giành được 63% phiếu bầu. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Donetsk Lyagin cho rằng, chính quyền ở Kiev cần phải chấp nhận sự thật rằng vùng Donbass không còn là một phần của Ukraine nữa.
“Điều này là hiển nhiên. Ai đó có thể không đồng ý với điều này nhưng họ không thể tranh cãi được. Vấn đề của Kiép là họ có công nhân kết quả của việc chúng tôi thể hiện ý kiến của mình hay không. Còn chúng tôi thì đã tự mình quyền định tất cả.”
Cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine hôm qua bị Mỹ, các nước phương Tây và một số nhà lãnh đạo trên thế giới phản đối, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Cũng như Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, ông Ban Ki-moon cho rằng cuộc bầu cử này là vi phạm thỏa thuận ký tại Minsk hôm 5/9 vừa qua giữa phe đối lập ở miền Đông Ukraine với chính quyền ở Kiev.
Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn hy vọng hòa bình có thể lập lại sau cuộc bầu cử này. Một người dân ở Donetsk
cho biết:
- “Tôi hy vọng hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực này để mọi thứ trở lại ổn thỏa đối với chúng tôi và không ai bị giết hại nữa, mọi người sẽ được sống tốt.”
-“Tất nhiên các bên nên đối thoại để tình hình ít nhiều được yên bình trở lại bởi không có cách nào hay điều gì có thể đạt được thông qua chiến tranh.”
Hiện cộng đồng quốc tế đang xem Moscow sẽ phản ứng thế nào sau khi kết quả cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine được công bố.
Trong động thái đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tôn trọng ý nguyện của người dân ở miền Đông Ukraine, coi đây là bước đi tích cực trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nửa năm qua ở nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng cuộc bầu cử không đi ngược lại thỏa thuận Minsk đầu tháng 9 mà còn có thể tạo ra cơ hội chuyển biến tình hình, thúc đẩy một cuộc đối thoại mang tính xây dựng./.