Mỹ-Ấn đẩy mạnh hợp tác kinh tế và an ninh
VOV.VN - Hai bên đã phá vỡ bế tắc của thỏa thuận hạt nhân dân sự mà 2 bên đã ký kết năm 2008, cùng đồng lòng đẩy mạnh hợp tác kinh tế và an ninh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (27/1) kết thúc chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa 2 bên. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ cùng cam kết tăng cường các biện pháp chống khủng bố cũng như thúc đẩy hợp tác để đảm bảo an ninh hàng hải khu vực. Mối quan hệ với Ấn Độ là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Obama, trong khi Ấn Độ cũng cần Mỹ để khẳng định mình trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ nói: “Tôi tự hào tuyên bố các bước tiến và hàng loại sáng kiến của Mỹ để mang lại khoản đầu tư thương mại hơn 4 tỷ đôla vào thị trưởng Ấn Độ và tạo ra hàng ngàn việc làm cho cả 2 nước chúng ta. Các bạn hiểu rõ hơn ai hết rằng, vận may và tương lai thịnh vượng của Mỹ và Ấn Độ có liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng ta có thể cùng hợp tác và cùng hướng tới thịnh vượng”.
Tháp tùng Tổng thống Obama là một phái đoàn lớn, trong đó có nhiều quan chức cấp cao Mỹ và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Theo truyền thông Mỹ và Ấn Độ, các nhà lãnh đạo 2 nước tập trung vào các nội dung đánh giá tầm quan trọng của quan hệ chiến lược giữa hai nước; hợp tác quốc phòng; hợp tác hạt nhân dân sự; hợp tác về năng lượng tái tạo; hợp tác kinh tế; và chống khủng bố.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc thảo luận tại New Delhi đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong cuộc chiến chống khủng bố, bao gồm nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda…Về hợp tác quân sự, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết, chính phủ nước này sẽ hỗ trợ Hải quân Ấn Độ xây dựng các chiến hạm có thể chở theo trực thăng, đồng thời tăng cường hợp tác vì an ninh hàng hải tại khu vực.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Ấn Độ đã phá vỡ bế tắc của thỏa thuận hạt nhân dân sự mà 2 bên đã ký kết năm 2008, song không triển khai được nhiều kết quả tích cực. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ nhất trí các tập đoàn Mỹ sẽ giúp đỡ Ấn Độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại nước này…
Với hàng loạt kết quả đạt được, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ là một bước tiến triển quan trọng cho sự thành công của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh, quan hệ Mỹ-Ấn Độ vừa chứng kiến một bước ngoặt để tiến vào kỷ nguyên mới của tình hữu nghị giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới. Ông Modi nhấn mạnh, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong 4 tháng qua, đồng thời cam kết đưa Ấn Độ trở thành một trong những thị trường kinh doanh dễ dàng nhất trên thế giới.
Ông Modi nói: “Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là đưa Ấn Độ từ phía sau lên top 50 của thị trường thế giới. Các nhà đầu tư sẽ thấy hệ thống thuế và các cơ chế đầy cạnh tranh của thị trường Ấn Độ”.
Đây là chuyến thăm thứ 2 của Tổng thống Obama tới Ấn Độ, đồng thời là một phần trong chính sách thúc đẩy quan hệ song phương gần đây vốn không mấy êm đẹp với Ấn Độ dưới thời chính quyền cũ. Cả Mỹ và Ấn Độ hy vọng sẽ xây dựng được một mối quan hệ đủ tầm có thể giúp đối trọng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mỹ luôn đánh giá Ấn Độ là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Điều Mỹ chờ đợi ở Ấn Độ lúc này là những cải cách lớn có thể giúp lột xác hoàn toàn nền kinh tế tiềm năng của nước này. Theo giới quan sát, các nhà đầu tư Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ những hứa hẹn mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra. Ngược lại, Ấn Độ có thể hy vọng về những chính sách đối với lao động nhập cư trong lĩnh vực công nghệ cao từ Mỹ và sự hỗ trợ của Tổng thống Obama về cơ chế tăng cường thương mại, tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Ấn Độ tới Mỹ./.