Mỹ cần thay đổi khi chính sách đối với Syria thất bại
VOV.VN - Một chính sách thất bại đối với Syria đang làm chính quyền Mỹ thay đổi thái độ của mình.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về vấn đề Trung Đông đưa ra sau lời bình luận “gây bão” của Ngoại trưởng Mỹ rằng có thể đàm phán với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chấm dứt cuộc đổ máu kéo dài 4 năm qua.
Nhật báo “Ngôi sao” (Dailystar) của Lebanon ngày 18/3 bình luận, phát biểu của Ngoại trưởng Kerry cho thấy Washington không có những giải pháp khác và chính sách của Mỹ đối với Syria đã thất bại. Chuyên gia phân tích các vấn đề về Trung Đông Elmoghazy Albadraw ở Dubai ngờ rằng, việc chủ nghĩa khủng bố đang mở rộng sự ảnh hưởng tại Syria buộc Washington phải đàm phán với chính phủ Syria. Bởi vì, tiêu diệt IS đang là nỗ lực hàng đầu của chính phủ Mỹ hiện nay.
Ông Albadraw nói: “Syria tiếp tục bước vào năm thứ 5 của cuộc nội chiến. Chính sách của Mỹ đối với Syria đã không tạo ra được tiến bộ nào và nó còn cho thấy sẽ là vô ích nếu Mỹ vẫn tiếp tục chính sách này. Bởi có quá nhiều vấn đề và những khó khăn phát sinh mà đất nước Syria đang phải đối mặt, chẳng hạn như việc chủ nghĩa khủng bố đang mở rộng tràn lan ở quốc gia đầy hỗn loạn này”.
Còn theo chuyên gia Theodore Karasil, lần lượt các sự kiện vừa qua có thể là kế sách của Mỹ nhằm tạo mối quan hệ tốt hơn với Iran, đồng minh thân cận của chính quyền Syria: “Phát biểu của Ngoại trưởng Kerry về thương lượng với Syria có thể cũng là một phần của chiến lược đàm phán của người Mỹ đối với Tehran, trong bối cảnh Mỹ đang muốn sớm kết thúc những tranh cãi hat nhân Iran. Tôi nghĩ rằng, bình luận của Ngoại trưởng Mỹ có thể là một phép thử để quan sát những phản ứng của xung quanh”.
Giới quan sát nhận định, trong 4 năm qua, chính sách của Mỹ đối với Syria luôn được đánh giá là “bất đắc dĩ” và cuộc nội chiến ở Syria bị lãng quên một thời gian. Chỉ đến khi, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng hoành hành ở Syria, hành quyết các con tin người Mỹ cùng với hàng loạt các vụ tấn công khủng bố ở nhiều nước phương Tây mới khiến Mỹ nhớ đến Syria. Lúc đó, Mỹ mới triển khai quân đội thực hiện không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở Syria. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Obama còn thể hiện xu hướng can thiệp sâu hơn vào nước này khi cung cấp tài chính, viện trợ cho các nhóm phiến quân ôn hòa.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, cho dù chọn phương án đẩy mạnh không kích chống IS hay hỗ trợ phiến quân ôn hòa, thì chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải tiêu tốn thêm rất nhiều nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động huấn luyện viện trợ vũ khí ở Syria./.
Xem thêm: