Mỹ cử phái viên tới Thổ Nhĩ Kỳ: Sứ mệnh “thuyết khách” liệu có thành?
VOV.VN - Phó Tổng thống Mỹ Pence đã được cử tới thủ đô Ankara nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/10 cử cấp phó của mình, Phó Tổng thống Mike Pence và người đứng đầu ngành ngoại giao Mike Pompeo tới Ankara, trong nỗ lực chấm dứt chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd tại Syria. Dù chưa rõ liệu sứ mệnh thuyết khách của Mỹ có thành công hay không song Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn cương quyết thực hiện đến cùng chiến dịch, phớt lờ mọi lời đe dọa của Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: NBC News. |
Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ gặp Tổng thống Tayyip Erdogan tại Ankara vào ngày mai và sẽ một lần nữa tái khẳng định cam kết của Tổng thống Donald Trump duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia đồng minh NATO này cho đến khi tìm được một giải pháp.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy thách thức đang chờ ở phía trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan những ngày qua không ngừng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chiến dịch dù là có nhận được sự đồng tình của quốc tế hay không. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập một vùng an toàn sâu 32km vào lãnh thổ Syria, để đặc biệt cho phép hồi hương 3,6 triệu người tị nạn Syria.
Phát biểu trên nhật báo Hurriyet, Tổng thống Erdogan hôm 15/10 thậm chí còn thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Mỹ về một lệnh ngừng bắn: “Chiến dịch 'Mùa xuân hòa bình' có 2 mục tiêu. Thứ nhất là truy quét hoàn toàn các nhóm khủng bố và các căn cứ của lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria. Mục tiêu là hai là đảm bảo sự trở về an toàn của hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria”.
Với việc phát động chiến dịch hôm 9/10 vừa qua nhằm đẩy lùi nhóm nổi dậy người Kurd mang tên “Các đơn vị bảo vệ nhân dân” khỏi khu vực biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh vốn đã quá phức tạp tại Syria. Đáp trả, các lực lượng người Kurd đã kêu gọi sự cứu viện từ chính quyền Syria và nước này cũng ngay lập tức triển khai quân tới miền Bắc, đặc biệt ở Manbij và Ras al-Ain.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Mới đây nhất, Canada hôm 15/10 đã nối dài danh sách những nước dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm nay sẽ tiến hành họp khẩn.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, sứ mệnh của phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo là thúc đẩy đàm phán về một lệnh ngừng bắn tại Đông Bắc Syria: “Chúng tôi muốn đưa những người lính của chúng tôi trở về nhà sau rất nhiều năm và họ là những chiến binh vĩ đại nhất trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ và các bên khác nếu họ không duy trì an toàn và ổn định. Chúng tôi đã yêu cầu ngừng bắn và đưa ra các lệnh trừng phạt”.
Tuy nhiên, sứ mệnh “thuyết khách” của Mỹ là khá nhạy cảm, bởi chính quyết định rút quân của nước này khỏi Đông Bắc Syria đã phần nào mở đường cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd đã chỉ trích Mỹ “quay lưng”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng không mấy xem trọng những cảnh báo trừng phạt của Mỹ. Làm thế nào để “vẹn cả đôi đường” khi những tay súng người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những đồng minh “chung chiến hào” với Mỹ chống khủng bố ở Syria sẽ là bài toán khó đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Có thể nói, mọi con mắt đều đang đổ dồn về phía Mỹ. Trong khi các nước châu Âu không ngừng cảnh báo nguy cơ trỗi dậy của các tay súng khủng bố (IS) đang bị người Kurd giam giữ tại Đông Bắc Syria, thì Chính phủ Nga hôm qua cũng tuyên bố sẽ không cho phép xảy ra đụng độ quân sự giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Bởi một cuộc chiến như thế sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và là không thể chấp nhận./.