Mỹ dừng viện trợ cho quỹ hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (31/8) thông báo nước này sẽ chấm dứt viện trợ cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho người Palestine (UNRWA).
Quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và chính quyền Palestine, đặc biệt sau khi Mỹ chính thức công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mô hình hoạt động và các vấn đề tài chính của tổ chức này có nhiều thiếu sót. Chính quyền nước này đã “rà soát kỹ lưỡng về vấn đề này và quyết định sẽ không đóng góp thêm bất cứ khoản nào cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc”. Mỹ sẽ tăng cường đối thoại với Liên Hợp Quốc, chính quyền khu vực và các tổ chức quốc tế để có thể thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ cho Palestine.
Logo của cơ quan UNRWA. Ảnh: PalJourney. |
Theo ông Gunness, trong một thỏa thuận tài trợ vào tháng 12 vừa qua, Mỹ đã thừa nhận hoạt động hiệu quả của quỹ này.
Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 5 triệu người tị nạn Palestine tại Jordan, Lebanon, Syria và Bờ Tây, Gaza. Tuy nhiên, tổ chức này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính kể từ khi Mỹ- nhà tài trợ lớn nhất giảm sự đóng góp từ đầu năm nay.
Thông báo mới nhất chỉ diễn ra 1 tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết tiếp tục cắt 200 triệu USD viện trợ cho người dân Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Bước đi của Mỹ cũng vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ của Palestine. Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng bằng việc cắt viện trợ, Mỹ đang tiếp tục xóa bỏ các nghĩa vụ quốc tế giống như nước này đã từng thực hiện trước đây liên quan đến vấn đề người tị nạn hay Jerusalem.
Ông Wasel Abu Yousef - một thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine nhận định: “Mỹ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép, sử dụng tối hậu thư nhằm chống lại người dân Palestine. Với các quyết định cắt viện trợ của Mỹ, mới đây nhất là 200 triệu USD cho người dân Palestine, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến cách hành xử của Mỹ với chính sách nước này luôn thực hiện đó là tối hậu thư và đe dọa”.
Căng thẳng tiếp tục bùng phát trên dải Gaza, 240 người bị thương
Tại Gaza, nhóm Tổ chức Hồi giáo vũ trang Hamas cũng lên án động thái của Mỹ là bước đi căng thẳng nhằm chống lại người Palestine. Quyết định cắt viện trợ cho Palestine đưa ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Gaza. Liên Hợp Quốc thông báo, ngân sách để chi trả các hóa đơn nhiên liệu phục vụ các bệnh viện, nhà máy nước và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác tại Dải Gaza sắp cạn kiệt, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tăng cường viện trợ cho khu vực này.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm qua (31/8) cho biết, nước này sẽ tăng đóng góp cho tổ chức này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một mình Đức không thể nào lấp đầy khoảng trống ngân sách 217 triệu USD thiếu hụt do Mỹ để lại. Vì vậy, Ngoại trưởng Đức kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác tham gia đóng góp nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo người dân Palestine.
Mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Palestine xấu đi sau khi Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Palestine đã dừng các cuộc tiếp xúc với Mỹ và khẳng định Mỹ không tiếp tục là một nhà hòa giải khách quan trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngay sau quyết định của Mỹ hôm qua, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng bước đi của Mỹ chứng minh thực tế rằng Mỹ từ lâu đã không còn đóng vai trò và không phải là một phần của giải pháp cho vấn đề khu vực./.