Mỹ: Gian nan dự luật chi tiêu ngân sách
VOV.VN -Việc thông qua dự chi tiêu ngân sách giúp Chính phủ Mỹ tránh bị đóng cửa trở lại vào ngày 8/2.
Thượng viện Mỹ tối 7/2, (sáng 8/2 theo giờ Việt Nam) đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách cho hai năm tới, với khoản tăng ngân sách 300 tỷ USD.
Việc thông qua dự luật này giúp Chính phủ Mỹ tránh bị đóng cửa trở lại vào ngày 8/2, thời hạn chót khi hết ngân sách hoạt động, và chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng qua liên quan đến những bất đồng về các ưu tiên chi tiêu giữa các nghị sỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dư luận Mỹ đã ngay lập tức có phản hồi về động thái của Thượng viện.
Người đứng đầu phe Cộng hòa tại Thượng viên Mitch McConnell và người đứng đầu phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã nhất trí về dự luật chi tiêu ngân sách trong vòng 2 năm tới. Ảnh ông Schumer: The Hill |
Trong một động thái được xem là sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng, người đứng đầu phe Cộng hòa tại Thượng viên Mitch McConnell và người đứng đầu phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã nhất trí về dự luật chi tiêu ngân sách trong vòng 2 năm tới.
Dự luật chưa được Thượng viện công bố chính thức song theo một số nguồn tin, dự luật sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong tài khóa 2018 lên 80 tỷ USD và 85 tỷ USD trong tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10.
Những khoản chi cho các chương trình khác trong nước như bảo hiểm y tế cho trẻ em cũng sẽ tăng lên 63 tỷ USD trong năm nay và 68 tỷ USD vào năm tới. Dự luật này cũng sẽ trì hoãn mức trần nợ liên bang trong một khoảng thời gian đang tiến hành xem xét.
Bất chấp việc lãnh đạo phe Dân chủ Schumer -mơ đánh giá cao việc thông qua thỏa thuận gọi đây là dấu mốc phá vỡ “vòng tròn khủng hoảng chi tiêu” của nước Mỹ, không ít nghị sĩ đảng Dân chủ lại không hài lòng vì cho rằng, dự luật vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập cư vốn gây tranh cãi của cả hai đảng.
Đảng Cộng hòa cũng trong tình trạng tương tự. Theo lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, đây là một dự luật quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của cả hai đảng bởi dự luật này bao gồm việc tăng chi tiêu cho quốc phòng - mục tiêu hàng đầu mà các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã chờ đợi từ lâu, và tăng chi tiêu cho các chương trình trong nước như các nghị sỹ đảng Dân chủ mong muốn.
Ông McConnell nói: “Dự luật là một sản phẩm của các cuộc đàm phán sâu rộng giữa lãnh đọa hai đảng và Nhà Trắng. Chẳng ai dám nói là nó hoàn hảo song chúng tôi đã nỗ lực để tìm ra điểm chung và tập trung vào đó nhằm phục vụ người dân Mỹ”.
Trong khi lãnh đạo phe Cộng hòa ủng hộ, có không ít nghị sĩ đảng Cộng hòa lại bày tỏ sự phản đối khi cho rằng, dự luật đã lạm chi. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mo Brooks khi được phóng viên hỏi đã không ngần ngại nói rằng, ông không phải là người duy nhất trong đảng nói không với dự luật. Ông này thậm chí còn nói những người đồng chí trong đảng là “những kẻ chi tiêu mạnh tay”.
Trong khi nghị sĩ Jim Jordan thì nói rằng, dự luật là “một sự kỳ quái” và ông không thể tin được là nó lại được đảng mà ông tham gia thông qua.
Thượng viện Mỹ nhất trí thỏa thuận ngân sách trong 2 năm tới
Nhà Trắng khỏi phải nói đã bày tỏ hoan nghênh dự luật. Người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders tại cuộc họp báo đã nói rằng, Nhà Trắng hài lòng với cách mà Thượng viện đang làm. “Chúng tôi hài lòng khi Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng của chúng tôi trong hai năm, qua đó giúp chúng tôi có thể hoàn thành những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ”.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đánh dấu sự thay đổi quan điểm của cơ quan này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi đó Quốc hội Mỹ bị buộc phải giải quyết khoản thâm hụt ngân sách và nỗ lực phải kích cầu khẩn cấp bằng cách cắt giảm chi tiêu mạnh. Tuy nhiên, nhũng ngày tháng đó đã qua.
Với việc thông qua dự luật ngân sách này, chi tiêu của nước Mỹ trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng, bất chấp cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về một chính sách thắt chặt chi tiêu được đưa ra hồi năm ngoái.
Trước khi chính thức được công bố, dự luật này sẽ cần phải được thông qua tại Hạ viện. Dù được thông qua dễ dàng tại Thượng viện song dự luật dự báo sẽ không không dễ dàng được thông qua tại Hạ viện.
Ngay khi được thông qua, dự luật đã vấp phải sự phản đối của cả hai đảng tại hạ viện, đặc biệt là đảng Dân chủ. Đại diện phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi trong một tuyên bố cho biết sẽ phản đối dự luật nếu không đưa vào các điều khoản bảo vệ thế hệ Dreamers – còn gọi là những người nhập cư vào Mỹ khi còn trẻ.
“Hàng ngày, những thế hệ Dreamers dũng cảm và yêu nước đang mất đi vị thế của mình. Hàng ngày, họ càng xa chúng ta. Là thành viên của Quốc hội, chúng ta cần có trách nhiệm về đạo đức là phải bảo vệ họ. Vì vậy tôi sẽ nhân cơ hội này để phản đối dự luật, nói lên tiếng nói công bằng xã hội cho nước Mỹ”, bà Pelosi cho biết.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã phải ngừng hoạt động trong 3 ngày do ngân sách liên bang hết hiệu lực từ nửa đêm 19/1 và đã không thể gia hạn vì những bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ xung quanh vấn đề nhập cư.
Mặc dù các biện pháp giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa vì hết kinh phí hoạt động được Hạ viện thông qua, nhưng dự luật này không vượt qua được “cửa ải” Thượng viện do không đạt được con số tối thiểu 60 phiếu ủng hộ./.
Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày đầu tuần do không có ngân sách