Mỹ lại “quyết đấu” đến cùng với Taliban ở Afghanistan
VOV.VN - Trước sức ép ngày càng gia tăng từ Taliban, quân đội Afghanistan đang phải gấp rút thay đổi chiến lược đối phó, trong khi Mỹ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á này bằng các cuộc không kích.
Afghanistan đang đứng trước một tương lai đầy bất định khi Taliban tuyên bố kiểm soát tới 90% biên giới nước này giữa lúc lực lượng nước ngoài đang dần rút quân. Trước sức ép ngày càng gia tăng từ Taliban, quân đội Afghanistan đang phải gấp rút thay đổi chiến lược đối phó, trong khi Mỹ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á này bằng các cuộc không kích, song song với duy trì hoạt động hỗ trợ ngoại giao và nhân đạo cho chính quyền Kabul.
Tình hình có dấu hiệu xấu đi tại Afghanistan khi những tuần gần đây các tay súng Taliban đã đánh chiếm nhiều cửa khẩu ở biên giới và các quận, huyện. Lực lượng này còn bao vây một số thủ phủ quan trọng trên cả nước. Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc không kích nhằm hỗ trợ cho quân đội Afghanistan “quyết đấu” đến cùng với Taliban, dù đang triển khai việc rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia Nam Á này, chính thức đặt dấu chấm hết cho gần 20 năm hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan đầy bất ổn.
“Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng của Afghanistan trong vài ngày qua và chuẩn bị tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ này trong những tuần tới nếu như Taliban tiếp tục các cuộc tấn công. Chúng tôi tiếp tục duy trì hỗ trợ hậu cần tại Kabul để duy trì khả năng phòng thủ của quân đội Afghanistan."
Tướng quân đội hàng đầu của Mỹ đồng thời cảnh báo, chính phủ Afghanistan sẽ phải đối mặt với một thử thách cam go trong những ngày tới, có khả năng bạo lực sẽ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ của người Hồi giáo và Taliban có thể tập trung vào mục tiêu là các trung tâm đô thị đông dân cư. Theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, công việc đầu tiên của các lực lượng an ninh Afghanistan nên ưu tiên thực hiện trước mắt là đảm bảo có thể làm chậm lại đà tiến của Taliban trước khi cố gắng chiếm lại lãnh thổ, trong lúc quân đội Afghanistan đang lên kế hoạch chi tiết để củng cố lực lượng xung quanh các khu vực chiến lược quan trọng của đất nước.
Không chỉ hỗ trợ về mặt quân sự, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng tái khẳng định cam kết Mỹ tiếp tục can dự về mặt ngoại giao “để ủng hộ giải pháp chính trị lâu dài và công bằng” cho tình hình Afghanistan. Ông Biden vừa phê duyệt cho sử dụng 100 triệu USD từ một quỹ khẩn cấp để hỗ trợ giải quyết các vấn đề di cư khẩn cấp liên quan đến tình hình tại Afghanistan, đồng thời cũng thông qua một khoản trị giá 200 triệu USD cho các khoản vật tư và dịch vụ liên quan đến chương trình này. Ước tính số người Afghanistan đủ điều kiện tị nạn tại Mỹ có thể lên đến khoảng 100.000.
Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nước láng giềng của Afghanistan, nhằm kêu gọi sự hỗ trợ cho Lực lượng Phòng vệ nước này. Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đồng tình lên tiếng thúc giục lực lượng Taliban ngừng các hoạt động quân sự tại Afghanistan và tham gia tiến trình đàm phán hòa bình.
Về phía Afghanistan, chính phủ nước này hôm qua (25/7) hối thúc cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền và Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC) hợp tác để ngăn chặn các hành động gây bất ổn của lực lượng Taliban, đồng thời đưa những kẻ gây tội ác ra trước công lý. Nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát từ các vụ tấn công tiềm tàng của Taliban, chính phủ Afghanistan đã phải ban bố một lệnh giới nghiêm ban đêm tại 31 trong số 34 tỉnh trên cả nước. Quân đội quốc gia Nam Á này cũng đang rà soát chiến lược chiến tranh chống lại lực lượng Taliban để tập trung lực lượng xung quanh các khu vực quan trọng nhất như Kabul và các thành phố khác, các ngã tư biên giới và cơ sở hạ tầng quan trọng./.