"Mỹ làm suy yếu NATO, ‘tự bắn vào chân mình’ khi rút quân khỏi Đức"
VOV.VN - Các quan chức Đức cho rằng, Mỹ đang làm suy yếu NATO và “tự bắn vào chân mình” khi quyết định rút gần 12.000 quân khỏi Đức.
Việc rút quân Mỹ khỏi Đức không giúp Washington thúc đẩy các mục tiêu ở châu Âu mà sẽ gây nên tác dụng ngược lại, người đứng đầu ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Đức (Bundestag) cảnh báo.
"Thay vì tăng cường sức mạnh của NATO, việc rút quân này sẽ làm suy yếu Liên minh. Tính hiệu quả của quân đội Mỹ sẽ không tăng lên mà còn giảm đi, đặc biệt khi phải đối phó với Nga và các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở khu vực Cận Đông và Trung Đông", Norbert Roettgen, nghị sĩ thuộc đảng CDU (Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo) của Thủ tướng Angela Merkel nhận định.
Những chỉ trích trên được đưa ra sau khi Mỹ quyết định sẽ rút thêm quân khỏi Đức. Ban đầu, Mỹ có kế hoạch rút khoảng 9.500 binh lính nhưng con số này gần đây đã tăng lên gần 12.000 binh lính, một động thái khiến Berlin lo ngại.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, việc rút bớt quân khỏi Đức sẽ thúc đẩy "các mục tiêu chiến lược" của Mỹ như tăng cường khả năng phòng thủ trước Nga hoặc thể hiện sự ủng hộ với các đồng minh của Washington ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì khẳng định, động thái này được thực hiện do Đức không đóng góp đủ ngân sách quốc phòng và vi phạm các cam kết của NATO.
"Chúng tôi giảm bớt lực lượng bởi vì họ không trả các chi phí. Vấn đề rất đơn giản. Họ là bên có lỗi", Tổng thống Trump khẳng định.
Ba chính trị gia Đức tin rằng những động thái của Mỹ sẽ gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nước.
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước quyết định của chính phủ Mỹ. Thật không may, điều này sẽ đặt gánh nặng lên mối quan hệ Đức - Mỹ. Chúng tôi đang chờ đợi để xem liệu quyết định này có kéo dài hay không", Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder nhận định.
Trong khi đó, nghị sĩ Roettgen tin rằng, Washington gần như đang “tự bắn vào chân mình” khi rút quân khỏi Đức.
"Binh lính Mỹ giữ vai trò nhất định trong việc đảm bảo an ninh của Đức nhưng Đức cũng phục vụ Mỹ như một trung tâm hậu cần cho sự hiện diện quân sự quốc tế của quốc gia này", ông Roettgen cho hay./.