Mỹ sẽ chi hàng tỷ USD để nâng cấp bom hạt nhân?
VOV.VN - Chi phí để hiện đại hóa 180 quả bom hạt nhân của Mỹ ở châu Âu lên đến 12 tỷ USD.
Mỹ có thể chuẩn bị chi hàng tỷ USD để hiện đại hóa bom hạt nhân đặt ở châu Âu. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cấp kho vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Báo cáo trước Ủy ban vũ trang của Hạ viện hồi tuần trước, Quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng, các loại bom hạt nhân B-61 ở châu Âu cần phải được thay thế bằng thế hệ mới B61-12. Hiện Mỹ có 180 quả bom hạt nhân đặt ở Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Chi phí để hiện đại hóa số bom hạt nhân ở châu Âu này lên đến 12 tỷ USD.
Trong khi giới chức Washington đang thảo luận về vấn đề này, một số nhà lập pháp Mỹ và các chuyên gia cho rằng kế hoạch này không chỉ hoang phí quá nhiều tiền trong bối cảnh chính phủ đang phải cắt giảm chi tiêu ngân sách mà còn có thể đe dọa đến các cuộc đàm phán với Nga về kiểm soát và cắt giảm vũ khí, được biết đến với tên Hiệp ước START Mới.
Bên cạnh đó, khoản chi khổng lồ cho việc nâng cấp vũ khí vô hình trung “phản bác” lại chính lời kêu gọi của Mỹ về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Trung tâm Kiểm soát và Cấm phổ biến Vũ khí cho biết, Mỹ hiện có đến 2.650 đầu đạn chưa triển khai cùng với khoảng 3.000 đầu đạn đang chờ để phá hủy.
Theo Trung tâm Stimon, một đơn vị nghiên cứu chính trị phi đảng phái của Mỹ, việc hiện đại hóa kho vũ khí của nước này, bao gồm nâng cấp vũ khí, cơ sở hạ tầng và hệ thống phân phối, có thể mất khoảng 10 năm và đặt một gánh nặng hơn 400 tỷ USD lên những người trả thuế ở Mỹ. Tuy nhiên, trong một phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Washington hôm 28/10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn nhấn mạnh rằng, vũ khí hạt nhân là một phần quan trọng trong học thuyết quốc phòng của nước này./.