Mỹ tạm thời không buông tay với Iraq
VOV.VN - Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki hôm 31/10 kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến toàn cầu chống mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Phát biểu của Thủ tướng Maliki được đưa ra trong chuyến thăm của ông đến Mỹ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố.
Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ ở thủ đô Washington, Thủ tướng Maliki cho biết Iraq đã thu nhiều thành công trong cuộc chiến chống khủng bố al-Qeada nhờ sự trợ giúp của Mỹ.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (Ảnh AFP) |
Tuy nhiên, những bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông đang tạo điều kiện cho mạng lưới al-Qaeda và các chân rết có cơ hội hoạt động trở lại tại Iraq và lây lan như một loại "virus" nguy hiểm.
Ông Maliki kêu gọi Mỹ hỗ trợ khẩn cấp máy bay trực thăng chiến đấu Apache và các khí tài quân sự khác để chiến đấu chống lại phiến quân, trong đó có những nhóm liên hệ với mạng lưới al-Qaeda đang gây ra bất ổn ở biên giới giáp với Syria.
“Nếu không giải quyết được những gì xảy ra ở Iraq, Syria hay bất cứ nước nào “nhiễm virus” khủng bố, virus này sẽ lan rộng. Vì thế chúng tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ nghĩa khủng bố không phân biệt tôn giáo, sắc tộc cũng như biên giới, chúng như làn gió mang đến những điều xấu xa phát tán trên toàn thế giới”, ông Maliki khẳng định.
Dự kiến ông Maliki sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama để tiếp tục thuyết phục chính quyền Mỹ rằng an ninh của Iraq cũng chính là sự an toàn cho nước Mỹ.
Mặc dù không muốn một lần nữa sa lầy như những gì đã diễn ra trước đó nhưng với một quốc gia vốn được xem là trung tâm địa chính trị tại Trung Đông, và những mục tiêu còn dang dở thì chắc chắn người Mỹ cũng không thể dễ dàng buông Iraq.
Chính vì vậy khi trả lời câu hỏi phóng viên trước cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Iraq và Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Nói về hợp tác chống khủng bố, chúng tôi tin rằng, viện trợ của Mỹ cho mục tiêu này có lợi cho nước Mỹ. Nó giúp củng cố mối quan hệ, sự tham gia của chúng tôi và quan hệ đối tác lâu dài ở Iraq. Chúng tôi cho rằng, cần phải tiếp tục viện trợ và đó là lực đẩy cho cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Iraq và Tổng thống Mỹ”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Iraq cần phải quay lại con đường “dân chủ toàn diện”, chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang hiện nay.