Mỹ - Trung đàm phán về kiểm soát hạt nhân, nỗ lực ổn định quan hệ song phương
VOV.VN - Hôm qua (6/11), tại thủ đô Washington D.C, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân sau nhiều năm gián đoạn.
Động thái của hai bên diễn ra trong bối cảnh, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới tại San Francisco, bang California, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Cuộc đàm phán diễn ra giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách việc tuân thủ, thanh sát và kiểm soát vũ khí Mallory Stewart và Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Hiểu Ba. Đây cũng là cuộc đàm phán hiếm hoi của hai bên về chủ đề này khi cuộc đàm phán lần gần nhất diễn ra từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel đánh giá cao cuộc đàm phán khi cho rằng việc Trung Quốc tham gia vào việc kiểm soát vũ khí sẽ “đảm bảo” mối quan hệ hai bên. “Mỹ đã liên tục kêu gọi Trung Quốc tham gia một cách thực chất vào các vấn đề kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro chiến lược. Sự tham gia này sẽ tiếp tục nỗ lực quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm và đảm bảo cạnh tranh giữa hai nước không chuyển sang xung đột”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng khẳng định cuộc đàm phán là kết quả đạt được trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh, Trung Quốc đang hợp tác với Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân: “Trung Quốc duy trì liên lạc chặt chẽ với các nước lớn trên thế giới về các vấn đề kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo kế hoạch, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành đối thoại và trao đổi về nhiều vấn đề như thực hiện các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế”.
Theo đánh giá, đây là cuộc họp ở “cấp thấp” giữa Trung Quốc và Mỹ mà mục đích chủ yếu nhằm “khởi động” lại chủ đề được coi là nhạy cảm giữa hai bên. Trong bối cảnh Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ, New Start sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 và vẫn đứng trước tương lai mờ mịt thì việc Mỹ - Trung quay trở lại tham vấn về vấn đề này được coi là bước đi quan trọng của Mỹ nhằm tránh đối đầu một cuộc chạy đua hạt nhân với cả Trung Quốc và Nga.
Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc được ban hành hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 19/10 mới đây cho thấy, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân trong biên chế tính đến tháng 5/2023, đồng thời dự báo Trung Quốc có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân trong biên chế vào năm 2030.