Mỹ-Trung đồng thuận trừng phạt Triều Tiên, bất đồng về Biển Đông
VOV.VN - Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nhưng vẫn chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Biển Đông.
Theo AFP, trong cuộc gặp ngày 31/3 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, cả hai đã thống nhất sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Ông Obama và ông Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Ảnh AFP
Thu hẹp bất đồng trong vấn đề Triều Tiên
Nhà Trắng ngày 1/4 tuyên bố, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã “thu hẹp bất đồng” giữa hai bên trong cuộc gặp nói trên.
“Cả hai nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết mối đe dọa chung từ việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
“Họ cũng khẳng định cam kết đạt được mục tiêu giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, vẫn theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Nỗ lực của Mỹ trong việc gây áp lực với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này đã gây chia rẽ quan hệ Mỹ và Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc cần gây áp lực hơn nữa với Triều Tiên trong khi Trung Quốc lo ngại rằng, điều này có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đã có cuộc gặp với lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để bày tỏ đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên. “Chúng tôi đã nhất trí cùng nỗ lực để ngăn chặn và phòng vệ trước sự khiêu khích của Triều Tiên”, ông Obama tuyên bố sau cuộc gặp.
Mỹ - Hàn tập trận: Tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn
Các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn cũng bàn đến việc đưa Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao (THAAD) đến Hàn Quốc để bảo vệ an ninh cho khu vực trước nguy cơ tấn công của Triều Tiên.
Động thái này khiến Trung Quốc lo ngại và cho rằng, hệ thống này sẽ khiến cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương thêm nghiêng về Mỹ.
Cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ về châu Á Dan Kritenbrink khẳng định: “Không có chuyện hệ thống này đe dọa đến lợi ích an ninh của Nga, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Nó cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến sợ ổn định mang tính chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Biển Đông vẫn là tâm điểm tranh cãi
Dù đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung vẫn “không tìm được tiếng nói chung” trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc đang cố tình quân sự hóa tại đây.
Giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, những gì Trung Quốc đang thực hiện không theo đúng cam kết của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9/2015 theo đó sẽ không theo đuổi việc quân sự hóa Biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen. Ảnh Hải quân Mỹ |
Nhà Trắng nêu rõ: “Tổng thống Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh đến việc Mỹ sẽ đảm bảo quyền tự do đi lại trên toàn cầu”.
Trước đó, từ tháng 10/2015, Mỹ đã liên tục tiến hành nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông, trong đó đáng chú ý nhất là việc Mỹ điều 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen và USS Curtis Wilbur áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông./.