Mỹ và các đồng minh rục rịch đưa quân tới Iraq
VOV.VN - Những binh sỹ đầu tiên trong tổng số 1.500 lính Mỹ sẽ tới Iraq trong vài tuần tới, với nhiệm vụ huấn luyện binh sỹ Iraq chống IS.
Mỹ sẽ đưa thêm quân tới Iraq trong những tuần tới trong khi binh sĩ của các nước trong liên minh chống khủng bố cũng sẽ có mặt tại quốc gia Trung Đông này trước cuối năm nay. Mỹ gọi sự tăng cường quân sự tại Iraq là để hỗ trợ quốc gia Trung Đông này và mở rộng quy mô chiến dịch chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Iraq.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 20/11 cho biết, những binh sĩ đầu tiên trong tổng số 1.500 lính Mỹ sẽ tới Iraq trong vài tuần tới, với nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện các lực lượng Iraq chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Mỹ cũng đảm bảo cam kết từ các nước liên minh trong việc cử chuyên gia quân sự tới quốc gia Trung Đông này cho sứ mệnh tương tự.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, Mỹ đang chờ đợi Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách mới cho việc tăng cường thêm các hoạt động của quân đội Mỹ tại Iraq. Ông John Kirby nói: “Các bạn sẽ thấy những binh sĩ đầu tiên trong số 1.500 binh sĩ tăng thêm sẽ bắt đầu tới Iraq trong vài tuần tới. Đây là giải pháp tạm thời để hỗ trợ Iraq. Chúng tôi cũng nhận được cam kết từ các đối tác trong liên minh chống khủng bố về việc đưa lực lượng huấn luyện tới Iraq”.
“Tôi không thể nói cụ thể về kế hoạch của họ, nhưng tôi cho rằng các nước sẽ công bố những kế hoạch này và triển khai binh sĩ trong một vài tháng tới. Đến cuối năm nay, các bạn sẽ thấy sự có mặt không chỉ của binh sĩ Mỹ mà còn nhiều nước khác trong liên minh chống khủng bố tại Iraq”, ông John Kirby cho biết.
Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định tăng gần gấp đôi lực lượng Mỹ tại Iraq, theo đó cử thêm 1.500 binh sĩ tới quốc gia Trung Đông này. Quyết định của Tổng thống Mỹ đã giúp mở rộng quy mô chiến dịch chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Iraq, đặc biệt cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc Mỹ và các nước đồng minh cử binh sĩ tới Iraq là một “bước tiến” trong nỗ lực chống khủng bố, nhưng các nước đều khẳng định binh sĩ của mình sẽ không trực tiếp tham chiến.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS, Tổng thống Obama đã gửi 1.600 binh sĩ tới Iraq. Các chiến dịch quân sự này đã tiêu tốn của Mỹ hàng tỷ USD. Báo cáo hồi tháng 10 của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ chi từ 7 đến 10 triệu USD mỗi ngày, kể từ tháng 6 vừa qua trong những đợt tấn công Nhà nước Hồi giáo. Chính phủ Mỹ cũng đang đề xuất lên Quốc hội khoản ngân sách 1,6 tỷ USD để tăng cường hoạt động của quân đội Mỹ tại Iraq.
Những con số này cảnh báo nguy cơ sa lầy trở lại của Mỹ trong một cuộc chiến mới tại Iraq, khi người dân Mỹ không hài lòng với cách chính phủ sử dụng tiền nộp thuế của mình. Còn chính phủ Obama ngày càng gặp khó khăn và sự cô lập khi đảng Cộng hòa nắm quyền tại cả 2 viện trong Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Trong bối cảnh, chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu tại Iraq từ tháng 8 không thu về nhiều kết quả, nhiều ý kiến cho rằng Mỹ nên đưa quân đến Iraq tham chiến. Tuy nhiên, trái với quan điểm này chính phủ Iraq đã phản đối kịch liệt, cho thấy bất đồng chính giữa 2 quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đến nay, quân đội Iraq vẫn đang sát cánh cùng lực lượng người Kurd tiếp tục các chiến dịch phản công mạnh mẽ trên bộ và trên không nhằm vào nhà nước Hồi giáo. Giới chức Iraq luôn khẳng định quân đội Iraq sẽ đánh bật Nhà nước Hồi giáo và hầu hết các đợt không kích có hiệu quả đều do lực lượng không quân Iraq tiến hành./.