Né Hillary Clinton, Trump lại chĩa mũi dùi vào truyền thông Mỹ
VOV.VN - Bất chấp việc Đảng Cộng hòa kêu gọi cần phải “tấn công” bà Hillary Clinton, tỷ phú Mỹ Donald Trump lại quay sang chỉ trích truyền thông Mỹ.
Che giấu khả năng thất bại
Các chuyên gia cho rằng, việc tập trung “đánh mạnh” truyền thông Mỹ là chiến thuật của ông Trump nhằm đánh lạc hướng dư luận về việc ông đang bị bà Clinton dẫn tới 8 điểm phần trăm trong khi chỉ một tháng trước đó ông còn dẫn trước đối thủ 1 điểm phần trăm.
Tỷ phú Trump đang tỏ ra thất thế trước bà Clinton. Ảnh AP
Tỷ phú Mỹ đã không ngần ngại cáo buộc truyền thông Mỹ cố tình đưa tin dày đặc nhưng "sai sự thật” về những tuyên bố của ông khiến chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông trở nên hỗn loạn.
Theo ông Trump, những tuyên bố của ông kiểu như “những người ủng hộ quyền mang theo súng đạn cần phải làm gì đó nếu bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống [được giới truyền thông Mỹ đưa tin là ông Trump “khuyến khích” những người này “ám sát bà Clinton”-ND] và có quyền chỉ định một thẩm phán theo khuynh hướng tự do” [đồng nghĩa với việc vị thẩm phán này sẽ ủng hộ việc kiểm soát súng đạn-ND] hay việc ông khăng khăng cho rằng, Tổng thống Barack Obama “là người sáng lập IS” là hoàn toàn xác đáng.
“Nếu giới truyền thông Mỹ đáng khinh bỉ và đầy tham nhũng này dẫn lời tôi nói một cách trung thực chứ không phải “nhét chữ” vào mồm tôi thì tôi đã dẫn trước bà Hillary Clinton tới 20 điểm phần trăm rồi”, ông Trump nhấn mạnh trên trang twitter của mình.
Tiếp đó, tỷ phú Mỹ lại tiếp tục khẳng định: “Thông điệp từ các đợt vận động tranh cử của tôi không được giới truyền thông đăng tải một cách phù hợp. Họ chưa bao giờ bàn luận nghiêm túc về thông điệp thực sự trong những tuyên bố của tôi, về số lượng người tham dự các cuộc vận động và sự hứng khởi của họ”.
Theo các chuyên gia, những lời lẽ công kích giới truyền thông mạnh mẽ của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa cho thấy ông ta đang cảm thấy mình khó có thể thắng được bà Hillary Clinton và thậm chí còn có thể “thua đậm” đối thủ thuộc đảng Dân chủ trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.
Cũng theo các chuyên gia, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy, chiến dịch tranh cử kéo dài hơn 1 năm qua với những lời lẽ mang nặng tính gây sốc liên quan đến chính sách của tỷ phú Mỹ nếu ông trở thành Tổng thống đang mất dần sự quan tâm chú ý của công chúng Mỹ.
Không những thế, ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa công khai lên tiếng sẽ không ủng hộ tỷ phú Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhân vật mới nhất là ông Carlos Gutierrez, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. Thậm chí ông Gutierrez còn tuyên bố sẽ ủng hộ bà Hillary Clinton.
Các quan chức đảng Cộng hòa tại Washington và các bang đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với đảng Dân chủ cũng đã lần lượt tuyên bố “quay lưng lại” với ông Donald Trump và dồn tiền của và nỗ lực của họ cho “cuộc chiến” tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
Vì sao 50 quan chức đảng Cộng hòa phản đối Trump trở thành Tổng thống?
Trong cái rủi có cái may?
Tuy nhiên, mọi chuyện lại bất ngờ rẽ theo một hướng khác dù những bước đi sai lầm của ông Trump đang khiến đảng Cộng hòa cực kỳ thất vọng. Không khá gì hơn ông Trump, bà Clinton cũng đang dính vào bê bối mới khi 44 email trao đổi công việc của bà khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ vừa được công bố.
Theo đó, những bức email này cho thấy bà Clinton có liên lạc qua lại với những người tham gia vận động hành lang cũng như các chính trị gia và những người ủng hộ Quỹ Clinton cùa gia đình bà tại thời điểm đó.
Ngay lập tức, tỷ phú Mỹ đã đăng tải một twitter mới trong đó khẳng định, nội dung những email vừa được công bố là “hoàn toàn chính xác”. Tỷ phú Mỹ cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng, ông sẽ không thay đổi “công thức chiến thắng” của bản thân. “Tôi là thế đó”, ông Trump chia sẻ một cách đầy thách thức.
Những người vẫn ủng hộ ông Trump cũng lên tiếng cảnh báo mọi người đừng nên sớm “loại ông Trump khỏi cuộc đua”. Thượng Nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions khẳng định “cuộc chiến chưa kết thúc” và mô tả ông Trump đang có một bước chuyển lớn từ một đối thủ “dữ dằn” có thể đánh bại tới 16 đối thủ trong đảng Cộng hòa sang một ứng viên Tổng thống có cách truyền đạt thông tin hoàn toàn khác biệt bởi ông muốn làm một điều gì đó khác với bà Clinton.
“Ông ấy luôn phải trải qua những cơn giằng xé về nội tâm về việc ông ấy có thể truyền đạt như thế nào về bản thân, về những điều ông ấy tin tưởng và những sự đổi thay mà ông ấy tin rằng mình có thể mang đến cho nước Mỹ. những gì ông ấy đang làm chính là nhằm đáp ứng những gì người Mỹ đang khao khát”, ông Sessions chia sẻ.
Cũng theo ông Sessions, tỷ phú Trump đang tiếp tục gây quỹ được hàng triệu USD khi đi vận động tại các bang quan trọng như Ohio, Pennsylvania và Florida và vẫn “rất trung thành với chính sách của bản thân trong chiến dịch tranh cử này”.
Chính sách kinh tế của Trump và Clinton: Những gam màu đối lập
Trong khi đó, Chủ tịch phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, lại lên tiếng chỉ trích truyền thông về việc không tập trung vào việc phân tích chi tiết về chính sách kinh tế của ông Trump và bà Clinton mà chỉ chăm chăm chỉ trích tỷ phú Mỹ.
“Các bạn hoàn toàn có thể đăng tải những gì ông ấy đã nói [một cách trung thực nhất-ND] hoặc có thể chờ phía bà Clinton “diễn giải” hộ các bạn. Tuy nhiên, hầu như các bạn đều chọn vế sau”, ông Manafort chia sẻ trên kênh CNN./.