Nepal gặp khó khăn trong công tác phân phối hàng cứu trợ
VOV.VN - 8 ngày sau trận động đất, công tác cứu trợ đến các nạn nhân vùng động đất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ chính phủ Nepal, tính tới cuối ngày 3/5, đã có 7.200 người thiệt mạng và hơn 14.123 người khác bị thương. Tuy nhiên, 8 ngày sau trận động đất, công tác cứu trợ đến các nạn nhân vùng động đất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Các quan chức Nepal cho biết, họ phát hiện toàn bộ ngôi làng Langtang bị phá hủy sau trận tuyết lở và nhiều người được cho là đã chết. Ngôi làng này nằm trên tuyến đường leo núi và có khoảng 55 nhà nghỉ phục vụ du khách.
Tuy nhiên, các quan chức chưa biết chính xác có bao nhiêu người ở trong làng tại thời điểm xảy ra thảm họa, nhưng ước tính có khoảng 200 người bao gồm cả du khách. Cho tới nay, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận khu vực này do mưa và thời tiết âm u.
Trong khi đó, tại huyện Rasuwa, cảnh sát đã tìm thấy 50 thi thể gồm một số du khách nước ngoài ở khu vực lở tuyết nhưng vẫn chưa xác định được danh tính.
Hiện mọi nỗ lực cứu hộ đang chuyển từ việc tìm kiếm những người sống sót trong các đống đổ nát sau động đất sang việc chuyển các loại hàng hóa viện trợ cho những người còn đang mắc kẹt tại các vùng sâu vùng xa của Nepal.
Nepal liên tục kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ và viện trợ nhân đạo vì lở đất và thời tiết xấu đã cản trở công tác đưa hàng viện trợ tới các vùng bị cô lập.
Một người dân hiện sống tại một trại cứu trợ động đất ở thủ đô Kathmandu cho biết: “Hàng viện trợ cần phải đưa đến nơi cần đến. Tôi biết rằng hàng viện trợ hiện vẫn đang cất giữ ở kho mà chưa được phân phối đến cho người dân”.
Tại Kathmandu, hàng chục nghìn người sống sót phải ở ngoài trời suốt 8 ngày liên tiếp từ khi động đất xảy ra, vì họ mất nhà hoặc sợ dư chấn có thể khiến các ngôi nhà vốn đã bị yếu đi nhiều đổ sập.
Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 600.000 ngôi nhà đã bị sập hoặc hư hại. Khoảng 8 triệu trong tổng số 28 triệu dân Nepal bị ảnh hưởng bởi trận động đất, với ít nhất 2 triệu người cần lều, nước, thực phẩm và thuốc men trong 3 tháng tới.
Trong khi đó, đại diện Liên Hợp Quốc vừa bày tỏ quan ngại đặc biệt trước tình trạng hải quan Nepal đang làm chậm tiến độ vận chuyển hàng viện trợ.
Quan chức phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, bà Valerie Amos ngày 3/5 nói rằng, bà lo ngại hàng cứu trợ đổ vào Nepal bị ngưng trệ do tình trạng quan liêu. Bà Amos cho biết, bà đã đề nghị Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đẩy nhanh các thủ tục hải quan cho hàng cứu trợ.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ngày 3/5 cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho Nepal khi chi phí để chuyển hàng cứu trợ trở nên tốn kém do cơ sở hạ tầng giao thông tại nước này kém phát triển.
Ông Renaud Meyer, Giám đốc Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Nepal cho biết, nhiều người tại các ngôi làng xa xôi bị động đất tàn phá vẫn chưa nhận được giúp đỡ: “Tại các khu vực đồi núi, các hoạt động cứu trợ vô cùng phức tạp. Ngay cả trước khi động đất, một số làng không có đường vào, bạn cần phải đi bộ về làng. Do vậy, sau trận động đất, đường vào làng bị sạt lở thì sẽ khiến địa hình trở nên rất khó khăn”.
Cùng chung nhận định, anh James -Thành viên đội cứu hộ của Anh cho biết: “Một số ngôi làng chịu sự ảnh hưởng bởi động đất hiện không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Thậm chí có nhiều trường hợp thương vong cũng không nhận được sự hỗ trợ về y tế”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cảnh báo, khoảng 1,7 triệu trẻ em tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sẽ sống trong cảnh "không nhà cửa, bị sốc nặng và không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cơ bản" trong khi chỉ còn vài tuần nữa là tới mùa mưa./.