Nepal tổ chức Tổng tuyển cử bầu Hạ viện và Hội đồng cấp tỉnh
VOV.VN - Cử tri Nepal hôm nay (20/11) đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử để bầu Hạ viện và Hội đồng cấp tỉnh khóa mới. Đây là lần thứ hai Nepal tổ chức bầu cử theo hình thức này kể từ khi Hiến pháp mới được ban hành năm 2015.
Cuộc bầu cử cũng được kỳ vọng sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay ở quốc gia nằm trên dãy Himalaya này.
Ủy ban Bầu cử Nepal cho biết 22.277 điểm bỏ phiếu trong cả nước đã mở cửa từ đầu giờ sáng để đón hơn 18,8 triệu cử tri. Để đảm bảo cho cuộc bầu cử được diễn ra suôn sẻ, hơn 245.000 nhân viên bầu cử và lực lượng an ninh đã được huy động trên toàn Nepal. Tổng cộng hơn 4.400 ứng cử viên tham gia vào cuộc chạy đua để vào Hạ viện gồm 275 ghế của nước này. Việc lựa chọn sẽ theo hai hình thức là bầu theo đa số và đại diện theo tỷ lệ.
Trong khi đó, khoảng 6.800 ứng viên cũng đăng ký tham gia vào các cuộc chạy đua ở Hội đồng địa phương. Trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đã ra tuyên bố kêu gọi người dân nước này tích cực tham gia cuộc bầu cử.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Nepal được tổ chức năm 2017 và diễn ra theo 3 giai đoạn với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 68,7%. Trong cuộc chạy đua này, Đảng Cộng sản Nepal – Chủ nghĩa Mác- Lênin thống nhất (CPN-UML) đã giành đa số tại Hạ viện nước này. Chủ tịch Đảng CPN-UML Sharma Oli sau đó trở thành Thủ tướng.
Tuy nhiên, ông Oli không thể hoàn thành nhiệm kỳ kéo dài 3 năm của mình sau khi Chính phủ do CPN-UML thành lập sụp đổ. Bất đồng nội bộ dẫn đến sự chia rẽ của đảng CPN-UML, đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Oli đã giải tán quốc hội 2 lần dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến pháp.
Chính phủ lâm thời hiện tại do Thủ tướng Sher Bahadur Deuba - chính trị gia của Đảng Quốc đại Nepal- đứng đầu, nhận được sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Nepal – theo Chủ nghĩa Mao (CPN-MC) và Đảng Cộng sản Nepal- Chủ nghĩa Xã hội Đoàn kết (CPN-US) – một đảng nhỏ tách ra từ CPN-UML.
Ngay sau khi quá trình kiểm phiếu kết thúc, Nepal sẽ bắt đầu việc bầu Thủ tướng mới. Theo thông lệ, chủ tịch đảng hoặc lãnh đạo ủy ban quốc hội sẽ đứng ra thành lập chính phủ sau khi đảng, hoặc liên minh giành được đa số quá bán tại Hạ viện./.