Nếu không đạt thỏa thuận hậu Brexit, Anh sẵn sàng rời EU theo “kiểu Australia”
VOV.VN - Thủ tướng Anh hôm qua (4/10) tuyên bố, nước này sẵn sàng rời Liên minh châu Âu (EU) “theo kiểu Australia” nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu đang lâm vào bế tắc và thậm chí còn bị phủ bóng sau khi Anh thể hiện rõ ý định “lật lại” một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit.
Kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu đang dần bị thu hẹp khi những bất đồng nảy sinh trong tiến trình đàm phán ngày một gay gắt. Nếu kịch bản tồi tệ nhất là các bên không thể đạt được thỏa thuận từ nay đến cuối năm xảy ra, mọi trao đổi thương mại sẽ phải tuân theo những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với các mức thuế quan sẽ cao hơn và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay. Tuy nhiên theo Thủ tướng Boris Johnson, dù không đặc biệt mong muốn một mối quan hệ theo kiểu Australia hay dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, song nước Anh vẫn có thể “sống rất tốt” với những kịch bản này.
“Vẫn còn những vấn đề khác biệt cần giải quyết. Liên minh châu Âu phải hiểu rằng chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc về sự cần thiết phải kiểm soát những quy định và luật pháp của mình. Tôi không đặc biệt mong muốn một mối quan hệ theo kiểu Australia hay dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, song chúng tôi vẫn có thể sống rất tốt với những tình huống này”, Thủ tướng Anh cho hay.
“Một mối quan hệ theo kiểu Australia” cũng đồng nghĩa với việc không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu. Hầu hết các giao dịch thương mại giữa Liên minh châu Âu và Australia hiện đều tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại trừ một số thỏa thuận đặc biệt đang có đối với một số hàng hóa nhất định.
Bản thân Australia cũng không hài lòng về mối quan hệ hiện nay với Liên minh châu Âu và đang thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn. Tuy nhiên điều này chỉ có thể có được nếu nước này đạt được một thỏa thuận thương mại chính thức với khối 27 nước thành viên giàu có.
Hiện nay, phần lớn hàng hóa xuất khẩu trị giá 15 tỷ euro của Australia sang Liên minh châu Âu phải chịu thuế quan và hạn ngạch theo các điều khoản cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới. Đây cũng là lý do tại sao các nhà sản xuất Australia đều ủng hộ những động thái của chính phủ nhằm đạt được một hiệp định thương mại tự do mới với Brussels.
Đáng chú ý, trước đó chỉ 1 ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã nhất trí tăng cường các cuộc đàm phán, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới thời hạn chót ngày 15/10 mà Anh đặt ra để đạt được thỏa thuận. Anh và Liên minh châu Âu đã trải qua 9 vòng đàm phán và vẫn đang “dậm chân tại chỗ” ở vấn đề cạnh tranh công bằng và nghề cá.
Vòng đàm phán mới nhất hồi tháng trước thậm chí còn bị phủ bóng bởi quyết định của Hạ viện Anh thông qua dự luật Thị trường nội địa gây tranh cãi. Liên minh châu Âu hồi tuần trước đã quyết định khởi động tiến trình pháp lý nhằm khởi kiện Anh vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận Brexit./.