Nga: Sarin tự chế được sử dụng trong vụ 21/8 tại Syria
VOV.VN -Nga cho biết, chất độc này còn được sử dụng trong vụ tấn công khu vực lân cận Aleppo hôm 19/3.
Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov cho biết, Nga có đủ bằng chứng để khẳng định rằng, chất độc thần kinh sarin tự chế đã được sử dụng trong vụ tấn công hôm 21/8 gần Damascus.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: PressTV) |
Theo thông tin phía Nga thu thập được, chất độc hóa học được sử dụng trong vụ tấn công này cùng loại với chất độc đã được sử dụng trong một vụ tấn công ở Aleppo hồi đầu năm nay nhưng có nồng độ cao hơn.
Ông Lavrov nói: “Khi xảy ra sự cố ở khu vực lân cận Aleppo hôm 19/3, Liên Hợp Quốc dưới áp lực của một số thành viên Hội đồng Bảo an đã không đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Syria gửi các thanh sát viên đến điều tra cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học. Theo yêu cầu của Chính phủ Syria, Nga đã tiến hành điều tra vụ việc đó, đây là báo cáo điều tra chúng tôi muốn công bố rộng rãi và công khai trước Hội đồng Bảo an”.
Ông Lavrov nói thêm: “Kết luận cuối cùng trong các báo cáo của chúng tôi là chất độc thần kinh sarin tự chế đã được sử dụng. Chúng tôi cũng có những bằng chứng để khẳng định rằng sarin cũng được sử dụng trong vụ 21/8 nhưng với nồng độ cao hơn”.
Ngoại trưởng Nga cho biết: “Thông tin được các nhà báo cung cấp, họ đã có mặt ở các khu vực chiến sự, nói chuyện với các chiến binh. Các chiến binh của lực lượng phiến quân cho biết, họ được các thế lực nước ngoài bàn giao các loại vũ khí và tên lửa khác thường và không biết làm thế nào để sử dụng chúng”.
Ông Lavrov cho biết, ngoài ra, Nga còn tiến hành thu thập bằng chứng qua lời khai của các nữ tu, những người tham gia chăm sóc các nạn nhân. Nga cũng cử các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về vũ khí hóa học đến hiện trường để thu thập và phân tích các mẫu vật.
Ông Lavrov cho biết thêm: “Chúng tôi cũng biết về một bức thư ngỏ của các cựu nhân viên CIA và Lầu Năm Góc gửi tới Tổng thống Obama, trong đó khẳng định rằng các bằng chứng cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là giả”.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng, Nga sẽ tác động để Syria thực hiện đầy đủ cam kết ở Geneva ngày 14/9. Tuy nhiên ông Lavrov cũng nhắc lại rằng, thỏa thuận đã đạt được không hề đề cập đến một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong có có áp dụng điều 7 của Hiến chương để can thiệp quân sự vào Syria.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria sẽ có trong 2 ngày tới?
Trả lời hãng thông tấn AP, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng, dự thảo nghị quyết giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria có thể được hoàn thành “rất sớm”, có thể chỉ “trong vòng 2 ngày tới”.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York (Ảnh: AFP) |
Ông Gatilov nhấn mạnh, dù dự thảo nghị quyết sẽ bao gồm việc tham chiếu đến Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nhưng sẽ “không mang tính tự động áp dụng”. Việc trừng phạt Syria bằng một hành động quân sự hoặc phi quân sự phải được thảo luận riêng biệt tại Hội đồng Bảo an.
Cho đến nay, 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung cho vấn đề Syria dù đã có những tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây.
Hãng thông tấn Nga Interfax cũng đã bác bỏ thông tin được nhiều tờ báo phương Tây đăng tải ngày 25/9 cho rằng Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận không chính thức về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Nguồn tin từ phái đoàn của Nga tham dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York nói với Interfax cho hay: “Thông tin cho rằng, Hội đồng Bảo an đã nhất chí về những điều khoản chính của một nghị quyết về Syria là không đúng sự thật. Đoàn đại biểu Nga vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của những thông tin như vậy”.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của phái đoàn Nga cho biết: “Đây là sự ảo tưởng của họ. Đó không phải thực tế. Việc xây dựng một bản dự thảo nghị quyết vẫn còn đang được tiến hành”.
Trước đó, AFP và Reuters đưa tin cho biết, 3 nhà ngoại giao phương Tây giấu tên đã tiết lộ rằng, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đã nhất trí về một đề xuất mới.
Các nhà ngoại giao này cho biết, dự thảo nghị quyết mới sẽ cho phép áp dụng chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nếu Tổng thống Bashar al-Assad không giữ đúng cam kết nghiêm túc thực hiện kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học.
Ngày 24/9, bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có một cuộc hội đàm để bàn thảo các kế hoạch hướng tới việc loại trừ kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế./.