Nga thử vũ khí mới buộc Mỹ phải rút khỏi Syria
VOV.VN - Nga thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria bằng cách thử hàng loạt vũ khí mới và tăng cường lực lượng gần các cơ sở do Lầu Năm Góc kiểm soát.
Nga hiện đang thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria bằng cách thử hàng loạt vũ khí mới, củng cố quốc phòng và tăng cường hiện diện quân sự gần các cơ sở do Lầu Năm Góc kiểm soát.
Nga thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria bằng cách thử hàng loạt vũ khí mới và tăng cường lực lượng gần các cơ sở do Lầu Năm Góc kiểm soát. Ảnh: AFP |
Theo Moscow Times, ông Yury Borisov cũng đặc biệt khen ngợi tiêm kích Su-35 và Su-30SM đã được thử nghiệm thành công vượt cả mong đợi. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nga cũng dành những lời tán dương với việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 đã được nâng cấp hồi tháng 10/2018, đồng thời khẳng định các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã "giảm đáng kể" ở đông bắc Syria kể từ đó.
Nga đã điều một số tên lửa S-300 tới Syria sau khi máy bay IL-20 của nước này bị bắn rơi ở đây khiến 15 quân nhân trên máy bay thiệt mạng hồi tháng 9/2018. Theo đó, hệ thống phòng không của Syria đã nhầm lẫn bắn rơi máy bay của Nga trong lúc đối đầu với các chiến đấu cơ của Israel. Cả Moscow và Damascus đều quy trách nhiệm cho Israel trong vụ việc. Một số bài báo gần đây chỉ ra rằng hai nước này đang triển khai các hành động nhằm thách thức liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria.
Năm 2011, Mỹ, Israel cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar là những nước ủng hộ phe nổi dậy với đe dọa sẽ chấm dứt thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, sau đó, khi cuộc nội chiến Syria ngày càng lan rộng cùng với sự nổi lên của những nhóm Hồi giáo cực đoan, Mỹ đã thành lập một liên quân bắt đầu ném bom các mục tiêu của IS, tổ chức khủng bố từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria năm 2014.
Ngay năm sau, Nga cũng can thiệp trực tiếp vào Syria, hỗ trợ các lực lượng vũ trang Syria và các nhóm dân quân ủng hộ chính phủ - trong đó có một số nhóm người Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, liên quân do Mỹ dẫn đầu hợp tác với một liên minh chủ yếu là người Kurd có tên là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Hai bên tiến hành nhiều cuộc tấn công riêng rẽ nhằm đánh bại IS nhưng cũng để lại nhiều vấn đề chính trị căng thẳng, đe dọa bùng nổ một cuộc xung đột mới.
Ngoài việc ủng hộ lực lượng SDF, Lầu Năm Góc còn duy trì mối quan hệ thân thiết với một nhóm nổi dậy tên là Maghawir al-Thawra với căn cứ nằm trong khu vực do Mỹ kiểm soát ở Al-Tanf, phía nam Syria. Iran, Nga và Syria đều yêu cầu Mỹ phải rút khỏi đây khi cho rằng sự hiện diện của quốc gia này tại đây là bất hợp pháp.
Căn cứ Al-Tanf là khu vực gây nhiều tranh cãi khi bao quanh khu vực an ninh của Mỹ và khu trại tị nạn Rukban, nơi nhiều trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng. Trại tị nạn này nằm trong một sa mạc khô cằn, tiếp giáp biên giới với Jordan - quốc gia đã cho đóng cửa biên giới do lo ngại sự thâm nhập của IS. Cả Mỹ và Nga đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng ngày càng tồi tệ tại khu vực này.
Tiến dần tới thỏa thuận thành lập Ủy ban hiến pháp ở Syria
Đầu tháng 12/2018, các nguồn tin chính thức của Syria cáo buộc Mỹ đã tấn công một số vị trí quân sự của Syria gần khu vực Al-Sukhna từ căn cứ Al-Tanf, trong khi liên quân do Mỹ dẫn đầu thì khẳng định liên quân này chỉ tấn công các địa điểm của IS. Một vài ngày sau, tướng Nga Valery Gerasimov cho biết ông đã đề xuất với liên quân Mỹ về việc để Nga cùng kiểm soát căn cứ Al-Tanf nhưng Washington đã lờ đi điều này. Cuối tuần đó, những cuộc đụng độ mới lại tiếp tục nổ ra giữa lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn và lực lượng ủng hộ chính phủ trong khu vực.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, ông Gareyev cho biết ngày 17/12 rằng, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ là điều không thể xảy ra nhưng sự hợp tác giữa các đơn vị của Nga và Syria trong khu vực có thể gây sức ép để Mỹ phải rời khỏi căn cứ Al-Tanf.
"Tôi không nghĩ rằng các đơn vị của Nga xung đột với lực lượng của Mỹ ở gần Al-Tanf. Quân đội Nga hiện diện ở Syria là hợp pháp chứ không giống như các lực lượng của Lầu Năm Góc. Lực lượng của Nga và Syria tập trung gần Al-Tanf để đảm bảo sự ổn định tại đây, tiêu diệt những kẻ khủng bố IS và giúp đỡ những người ở trại tị nạn Rukban. Thực tế, những động thái này có vai trò như những biện pháp phi quân sự hướng đến việc buộc Mỹ phải rút khỏi lãnh thổ Syria", ông Gareyev nhận định với báo Nga Nezavisimaya Gazeta.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ hiện diện ở Syria ngoài mục tiêu đánh bại IS thì còn để kiềm chế ảnh hưởng của Iran và đảm bảo một tiến trình chính trị buộc Tổng thống Syria Assad phải chuyển giao quyền lực./.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khởi động chiến dịch quân sự ở Syria bất cứ lúc nào
Liên quân do Mỹ đứng đầu phá hủy trung tâm đầu não cuả IS tại Syria