Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Hãy trao thêm quyền cho chị em
VOV.VN - Ngày 8/3 là cả một câu chuyện dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Các hoạt động kỷ niệm ngày này đã được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thông điệp của ngày 8/3 năm nay là Hãy trao thêm quyền cho phụ nữ.
>> Xem thêm: Họa hiếp dâm rình rập thiếu nữ Ấn Độ khi đi toilet “lộ thiên”
Điểm nhấn của các hoạt động là cuộc tuần hành diễn ra hôm qua (7/3) tại thành phố Visakhapatnam thu hút hàng nghìn người tham gia. Những người tuần hành đã giương cao các biểu ngữ kêu gọi nhà chức trách tăng cường các điều luật để xử phạt các hành vi tội phạm nhằm vào phụ nữ.
Bà Asu Manhotra, quản lý một doanh nghiệp tại Ấn Độ tham gia tuần hành nói: “Là một tổ chức, doanh nghiệp chúng tôi luôn xem trọng sự an toàn của phụ nữ. Tại một công sở như doanh nghiệp của chúng tôi có 25% lao động là nữ. Nếu chúng tôi muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì chúng tôi phải đảm bảo sự an toàn cho họ”.
Tại Afghanistan, nơi mà quyền của phụ nữ bị xem nhẹ, hôm qua, một hoạt động đua xe đạp mà các vận động viên đều là phụ nữ cũng đã diễn ra tại khu vực ngoại ô thủ đô Kabul. Nhiều nam giới và trẻ em cũng đã đổ ra đường để cổ vũ chị em.
Theo bà Zahra Alizada, thành viên ban tổ chức, thông qua sự kiện này, các nhà tổ chức mong muốn nâng cao hơn nữa quyền của chị em trong xã hội: “Chúng tôi đang sống trong một xã hội mà phụ nữ không có quyền để thể hiện bản thân. Giờ là lúc chúng ta cần phải nghĩ khác đi. Chúng tôi muốn chứng minh bản thân để mọi người thấy rằng phụ nữ Afghanistan có thể làm mọi thứ. Chúng tôi không muốn, phụ nữ luôn phải nhốt mình trong nhà. Họ cần được tham gia vào các hoạt động xã hội, thể thao và học tập để chứng tỏ bản thân. Chúng tôi không muốn giam mình như dưới chế độ Taliban trước đây.”
Dưới thời Taliban, vào khoảng cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, phụ nữ Afghanistan bị loại ra khỏi các hoạt động xã hội. Họ bị cấm đến trường, không được tham gia chính trị và thậm chí không được phép ra đường nếu không có nam giới đi kèm. Quyền của phụ nữ Afghanistan đã được cải thiện song chưa nhiều kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001. Theo thống kê của tổ chức từ thiện Oxfam của Anh, có đến 87% phụ nữ Afghanistan từng bị bạo hành, tấn công tình dục, hoặc bị ép buộc kết hôn.
Gắn vấn đề khí hậu với bảo vệ phụ nữ
Còn tại Pháp, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và với tư cách Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 21 (COP 21), dự kiến được tổ chức tại thủ đô Paris vào cuối năm nay, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã kêu gọi “hành động vì khí hậu, hành động vì phụ nữ và cùng với phụ nữ”.
Ông nhấn mạnh phụ nữ phải có vai trò trung tâm trong các chiến lược chống biến đổi khí hậu và trong các cuộc thương lượng quốc tế về chủ đề này. Ngoại trưởng Pháp khẳng định mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 21 tại Pháp là “ký được một thỏa thuận toàn cầu cho phép kiềm chế nhiệt độ trên Trái Đất chỉ tăng thêm 2 °C”.
Việc thúc đẩy bình đẳng nam và nữ có thể đóng góp vào sự thành công của cuộc đàm phán ở Paris và ngược lại, thành công của hội nghị sẽ góp phần làm giảm những bất bình đẳng này.
Còn tại trụ sở của Liên Hợp Quốc hôm qua, nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này cũng đã diễn ra. Trong thông điệp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới đã đạt được thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có những nơi mà ở đó, quyền của phụ nữ vẫn bị xem nhẹ.
Trao thêm quyền cho phụ nữ và thay đổi nhận thức về quyền của phụ nữ trong xã hội chính là chìa khóa để mang lại sự phát triển bền vững trong xã hội.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói: “Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang tồn tại. Và chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác để đập tan tư tưởng này. Chúng ta cần những nguồn lực để thực hiện điều này. Nhưng trên hết chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng và thái độ đối xử với người phụ nữ, đặc biệt thay đổi từ chính những người đàn ông. Thế giới sẽ không nhận ra 100% mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nếu 50% trong số đó không công nhận mục tiêu này.”/.
>> Xem thêm: Phụ nữ Việt Nam đang ngày càng quyền lực