Nghi vấn nhân viên người Nga làm gián điệp trong Đại sứ quán Mỹ
VOV.VN - Theo The Guardian, nhân viên người Nga này bị nghi ngờ đã làm gián điệp hơn 10 năm tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow mà không bị phát hiện.
The Guardian dẫn nguồn tin tình báo giấu tên của Mỹ cho biết, một phụ nữ Nga bị nghi ngờ do thám Cơ quan mật vụ Mỹ trong khi cô này làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.
Một nhân viên người Nga bị nghi ngờ đã làm gián điệp hơn 10 năm tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow mà không bị phát hiện. Ảnh: Sputnik
Theo thông tin, người phụ nữ này được Bộ Ngoại giao Mỹ tuyển dụng và làm việc cho Cơ quan mật vụ như một phần công việc tại Đại sứ quán. Với những công việc được giao, người phụ nữ này đã tiếp cận được mạng nội bộ, hệ thống email của Đại sứ quán từ đó thu thập được các tài liệu có tính bảo mật cao, như lịch trình của Tổng thống hay Phó Tổng thống Mỹ.
Cơ quan phản gián Mỹ bắt đầu chú ý tới người phụ nữ này vào năm 2016 sau khi các cuộc theo dõi bí mật cho thấy cô này thường xuyên gặp gỡ các đại diện của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) - cơ quan phản gián Nga. Cuộc điều tra này do các nhân viên phản gián của Văn phòng an ninh khu vực (RSO), Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành.
Nguồn tin giấu tên cho biết, đầu năm 2017, RSO đã cảnh báo Cơ quan mật vụ về nữ nhân viên người Nga này. Tuy nhiên, Cơ quan mật vụ đã không tiến hành điều tra riêng, mà thay vào đó lại “lặng lẽ” sa thải nhân viên này vài tháng sau đó để tránh ầm ĩ.
Nguồn tin tình báo nói với The Guardian rằng: “Cơ quan mật vụ đã cố che đậy vụ việc bằng cách sa thải người phụ nữ này. Đã có tổn thất, nhưng quản lý cấp cao của Cơ quan mật vụ đã không tiến hành điều tra để đánh giá tổn thất và xem liệu người phụ nữ này có tuyển thêm người khác để cung cấp thêm thông tin cho mình hay không. Chỉ có một cuộc điều tra cụ thể từ bên ngoài mới có thể xác định được những tổn thất mà người này đã gây ra”.
Phản ứng về vụ việc này, Cơ quan mật vụ Mỹ nói rằng, để tránh rủi ro, vị trí của những người nước ngoài trong cơ quan mật vụ chỉ giới hạn ở việc “phiên dịch, biên dịch, hướng dẫn văn hóa, liên lạc và hỗ trợ hành chính”.
Nói về các nhân viên nước ngoài làm việc tại các Đại sứ quán, tuyên bố của Cơ quan mật vụ cho biết: “Chưa bao giờ và không có bất cứ văn phòng nào của Cơ quan mật vụ có các nhân viên người nước ngoài được giao cho một vị trí có thể tiếp cận được các thông tin an ninh quốc gia”.
Cơ quan mật vụ Mỹ là một bộ phận của Bộ An ninh nội địa, được thành lập với mục đích “bảo vệ các nhà lãnh đạo của nước Mỹ, bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu và tài chính của nước Mỹ”.
Việc phát hiện một nhân viên nghi là gián điệp của FSB trong nội bộ Đại sứ quán Mỹ ở Moscow có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của Cơ quan mật vụ Mỹ và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sự an toàn của các nhân viên khác trong cơ quan mật vụ và những mục tiêu mà cơ quan này bảo vệ.
Hiện Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) chưa bình luận gì về vụ việc này./.
Chân dung cô gái 29 tuổi bị Mỹ cáo buộc là gián điệp của Nga