Nghị viện châu Âu khởi kiện Uỷ ban châu Âu
VOV.VN - Trong phiên họp ngày 29/10, Nghi viện châu Âu (EP) tuyên bố khởi kiện Uỷ ban châu Âu lên Toà Tư pháp châu Âu vì không kích hoạt cơ chế cho phép đóng băng các khoản tiền phân bổ từ ngân sách chung đối với quốc gia thành viên nếu không tuân thủ vấn đề Nhà nước pháp quyền.
Trong thông cáo đưa ra, EP cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã không tuân thủ cơ chế phân bổ ngân sách có điều kiện đã được thông qua vào tháng 12/2020. Theo nội dung cơ chế này, EC có quyền đình chỉ cấp ngân sách để trừng phạt các nước thành viên không đảm bảo tiêu chí về Nhà nước pháp quyền.
Hai quốc gia được các nghị sĩ châu Âu nêu tên là Ba Lan và Hungary. Ba Lan từ lâu bị chỉ trích vì không thúc đẩy cải cách tư pháp và đe doạ tính độc lập của thẩm phán, trong khi Hungary bị cáo buộc thiếu minh bạch trong mua sắm công, cơ chế chống tham nhũng yếu kém và thiếu sự độc lập về tư pháp. Cả Ba Lan và Hungary đều lên tiếng phản đối tính hợp pháp của cơ chế ràng buộc điều kiện cấp ngân sách đi kèm vấn đề Nhà nước pháp quyền và đã cùng khiếu nại lên Toà Tư pháp châu Âu để yêu cầu vô hiệu hoá.
Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu gần đây (21-22/10), Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Usurla Von Der Layen xác nhận EC và các nước thành viên thống nhất chờ đợi phán quyết của Toà Tư pháp châu Âu trước khi kích hoạt cơ chế trừng phạt này. Theo dự kiến, Toà Tư Pháp châu Âu sẽ ra phán quyết vào đầu năm 2022.
Cho đến nay, Ba Lan là nước nhận được nhiều nhất từ Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch của EU với hơn 18 tỷ euro vào năm 2020. Những tranh cãi về vấn đề Nhà nước pháp quyền có thể nước này trong 7 năm tới bị cắt 75 tỷ euro cho các quỹ liên kết và 31 tỷ euro tài trợ cho chính sách nông nghiệp chung.
Quan hệ giữa Ba Lan với các thiết chế châu Âu đang hết sức căng thẳng. Toà Tư pháp châu Âu mới đây (27/10) ra phán quyết phạt Ba Lan 1 triệu euro/ngày cho đến khi nước này dỡ bỏ những cải cách tư pháp thực hiện từ năm 2017 được đánh giá là làm tổn hại giá trị Nhà nước pháp quyền của EU./.