Nhà hoạt động nổi tiếng Ai Cập bị bắt giam 4 ngày
VOV.VN - Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Ahmed Duma là nhà hoạt động thứ 3 bị bắt giam tại Ai Cập.
Các nguồn tin tư pháp cho biết, Ahmed Duma đã bị bắt hôm 3/12 và sẽ bị giam 4 ngày vì đã tổ chức một cuộc biểu tình trái phép và tấn công lực lượng an ninh.
Duma là một nhà hoạt động thứ 3 bị bắt giam trong tuần qua tại Ai Cập. Chính quyền Ai Cập mở rộng chiến dịch đàn áp những người biểu tình kể từ khi Tổng thống lâm thời Adly Mansour thông qua một đạo luật vào ngày 24/11 nhằm mục đích cấm các cuộc biểu tình trái phép tại nước này.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Ahmed Duma trong tù (Ảnh AFP) |
Nurhan Hefzy, vợ của Duma cho biết: “Anh ấy đã bị bắt giữ vì tham gia vào một cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài một tòa án và hiện đang bị các công tố viên thẩm vấn”.
Ahmed Duma cũng cho biết việc mình bị bắt giữ trên tài khoản Twitter của mình: “Tôi hiện tại đang trong đồn cảnh sát Basateen. Tôi không biết tôi bị buộc tội gì và vì lý do gì mà tôi bị bắt giữ”.
Các nguồn tin tư pháp Ai Cập cho biết, Duma bị bắt giam 4 ngày vì “tội sử dụng vũ lực và bạo lực chống lại và tấn công lực lượng an ninh bên ngoài tòa án Abideen ở Cairo”. Ngoài ra Duma cũng bị cáo buộc vì “tổ chức một cuộc biểu tình trái phép”.
Sớm hôm 3/12, một nguồn tin tư pháp nói với AFP rằng, các công tố viên cũng đang điều tra những đơn khiếu nại khác cáo buộc Duma và một nhà hoạt động khác là Asma Mahfouz đã “sỉ nhục” Tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi, người được cho là nắm quyền lực thật sự đằng sau chính quyền của nhà lãnh đạo lâm thời Ai Cập.
Hồi tháng 6, Duma đã bị kết án 6 tháng tù giam vì đã miêu tả Tổng thống Hồi giáo bị phế truất Mohamed Morsi trong một chương trình truyền hình như “một tên tội phạm và một kẻ giết người”.
Tuy nhiên, nhà hoạt động này được thả ngày 6/7, chỉ 3 ngày sau khi quân đội lật đổ ông Morsi.
Luật biểu tình mới của Ai Cập quy định, các cuộc tụ họp hợp pháp có thể bị giải tán nếu được coi là một cuộc biểu tình đe dọa an ninh quốc gia.
Gần đây, các nhà hoạt động kỳ cựu và các nhóm nhân quyền đã bị bắt giữ được xem như một động thái mở rộng sự đàn áp của chính phủ đối với các cuộc biểu tình, đặc biệt là các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi.
Trong những tháng gần đây, các cuộc đàn áp đối với những người biểu tình ủng hộ ông Morsi đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác, chủ yếu là người Hồi giáo bị bắt giữ./.