Nhật Bản cũng bị NSA theo dõi về kinh tế và đối ngoại
VOV.VN -Nhật Bản được đưa vào danh sách giám sát của NSA vì khả năng sở hữu và sản xuất "công nghệ chiến lược quan trọng”
Chính phủ Nhật Bản hôm 5/11 phát hiện ra nước này cũng là một trong hàng loạt các quốc gia "bạn bè" chịu sự theo dõi bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Theo Thời báo New York và tiết lộ của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, Mỹ có một hệ thống rộng lớn các cơ sở theo dõi và thu thập thông tin tình báo, giám sát cả các nước bạn bè lẫn các quốc gia thù địch. Nhật Bản cũng đã bị Mỹ theo dõi về tiềm năng kỹ thuật và các vấn đề khác.
Bài đăng trên NY Time "NSA theo dõi cả kẻ thù và đồng minh" |
Một website của Mỹ đã đưa lên mạng một danh sách chi tiết các đối tượng giám sát của NSA năm 2007 và Nhật Bản là một trong những quốc gia trong danh sách này.
Nhật Bản bị đưa vào danh sách giám sát của NSA vì khả năng có thể sở hữu và sản xuất "công nghệ chiến lược quan trọng”. NSA cũng quan tâm đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản nhằm đảm bảo khả năng Mỹ duy trì lợi thế về kinh tế đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Chính phủ Mỹ vẫn chưa đề cập vấn đề với Nhật Bản. Nhưng các quốc gia khác như Đức và Brazil đã nổi giận với hành động của Mỹ và cho rằng nước Mỹ đã xâm phạm lòng tin, và theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, làm “tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước".
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa hủy bỏ chuyến thăm Washington sau khi biết hoạt động giám sát của NSA tại Brazil và nói rằng những tiết lộ này đã làm xói mòn lòng tin với Mỹ.
Một trong số phóng viên thường trú tại Washington của Đài truyền hình NHK nói rằng NSA thường xuyên chặn thông tin liên lạc qua đường dây điện thoại và các kỹ thuật tinh vi khác.
Bài báo đăng trên tờ Thời báo New York, cũng tuyên bố rằng lãnh sự quán và các căn cứ quân sự địa phương bị lắp đặt các thiết bị chuyên dụng cao cấp để chặn liên lạc, và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi của toàn bộ chương trình giám sát này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng ông mới chỉ nghe nói về chương trình do thám của Mỹ đối với Nhật Bản qua các phương tiện truyền thông, và chưa nghe tuyên bố gì từ chính phủ Mỹ.
"Bất kỳ hành động có thể gây tổn hại lòng tin giữa các quốc gia bè bạn, trong đó có chúng ta, là điều không ai mong muốn". "Chúng tôi không muốn tin vào các thông tin này", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Sau khi mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Đức, Brazil, và có lẽ cả Nhật nữa xấu đi vì chương trình do thám, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, chương trình giám sát của NSA có lẽ đã “đi quá xa” và cho biết chương trình này "sẽ phải dừng lại".
Ông Kerry tuyên bố rằng một số hoạt động và chương trình công nghệ đang hoạt động "tự động", vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, và cần thẩm định đánh giá chính sách NSA thường xuyên để đảm bảo không bị "lạm dụng" trong tương lai.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng nói rằng, việc thu thập thông tin tình báo như vậy từ cả 2 phía đồng minh và kẻ thù là việc làm quan trọng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố./.