Nhiều thành viên Chính phủ Anh từ chức: Sức ép đối với Tân Thủ tướng
VOV.VN - Sự ra đi của một số quan chức cấp cao Anh nhằm thể hiện sự bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo tương lai của đất nước.
Ngày 23/7, đảng Bảo thủ Anh sẽ công bố kết quả bầu chọn nhà lãnh đạo mới, đồng thời cũng là Thủ tướng mới của nước Anh. Tuy nhiên ngay trước thời điểm công bố người thắng cử, một số thành viên chính phủ Anh từ chức do bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo tương lai của đất nước, nhiều khả năng là ông Boris Johnson, cho thấy sức ép đối với Tân Thủ tướng Anh trong bối cảnh hàng loạt các thách thức khác bủa vây.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Ảnh: Daily Express |
Ông Alan Duncan - Quốc phụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu và châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Anh ngày 22/7 công bố quyết định từ chức. Trong đơn từ chức, ông Duncan khẳng định, nước Anh vẫn luôn vận hành tốt, nhưng điều đáng tiếc là nước Anh luôn dành mỗi ngày làm việc dưới "đám mây đen" Brexit . Ông Duncan trở thành quan chức thứ 2 trong chính phủ rời bỏ nhiệm sở sau bà Margot James - Quốc vụ khanh phụ trách Doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và hợp tác thuộc Bộ Văn hóa - người từ chức hồi tuần trước.
Sự ra đi của một số quan chức cấp cao Anh nhằm thể hiện sự bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Với những khảo sát hiện nay, Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson được dự đoán sẽ chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, đồng thời là Thủ tướng mới của Anh. Ông Boris Johnson có chủ trương bằng mọi giá sẽ tiến hành Brexit vào ngày 31/10 tới, thậm chí kể cả khi không đạt được thỏa thuận với EU. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đầu tuần này cũng tuyên bố ông sẽ từ chức nếu ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh
“Nếu ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng nước Anh, tôi hiểu rằng điều kiện để phục vụ trong chính phủ của ông sẽ bao gồm chấp nhận một khả năng Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới. Đó là điều mà tôi không thể đồng ý. Điều quan trọng là một Thủ tướng cần phải có một Bộ trưởng Tài chính có đồng quan điểm với ông về các vấn đề chính sách. Do đó, tôi có ý định nộp đơn từ chức trước khi ông Boris Johnson lên nắm quyền vào ngày 24/07 tới”, Bộ trưởng Tài chình Hammond nói.
Ngoài ông Hammond, một số thành viên khác trong Nội các Anh, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp David Gauke, dự kiến cũng sẽ công bố quyết định từ chức khi Văn phòng Thủ tướng Anh đổi chủ.
Bất chấp sức ép tuyên bố từ chức của các quan chức cấp cao trong chính phủ, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Boris Johnson vẫn được đánh giá là ổn định, với một số khảo sát cho rằng ông có thể nhận được tỉ lệ ủng hộ lên đến 70% số phiếu bầu. Dự kiến Thủ tướng Theresa May sẽ có một tuyên bố vào chiều 24/7 trước khi rời khỏi số 10 Downing để đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh và tân Thủ tướng Anh sẽ tiếp quản văn phòng này sau khi bà May chính thức từ chức.
Sau những lời chúc mừng chiến thắng, Tân Thủ tướng nước Anh sẽ phải bắt tay ngay vào việc giải quyết hàng loạt các thách thức trong và ngoài nước. “Thừa hưởng” một chính trường Anh phân cực liên quan kế hoạch Brexit, bê bối tấn công tình dục của một nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền và sự ra đi của hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ cho thấy sức ép lớn đối với tân Thủ tướng, đặc biệt trong bối cảnh ông phải chèo lái con thuyền nước Anh ra khỏi EU đúng vào hạn chót 31/10 tới. Việc chỉ định các Bộ trưởng mới cũng như cải tổ Nội các dự kiến được thực hiện ngay trong tuần này.
Không chỉ là vấn đề trong nước, tìm ra một giải pháp cho những căng thẳng với Iran hiện nay cũng là một thách thức của Tân Thủ tướng của nước Anh, đặc biệt sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ nước này. Anh cùng các nhà lãnh đạo châu Âu khác ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi cách đây hơn 1 năm. Quản lí tốt cuộc khủng hoảng này sẽ giúp lãnh đạo mới của nước Anh cân bằng mối quan hệ không chỉ với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, mà còn với Tổng thống Mỹ Donald Trump./.