Những mục tiêu chính trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay (23/3) sẽ tới châu Âu với mục tiêu là tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các nước đồng minh nhằm gia tăng áp lực với Nga.
Trong bối cảnh, Mỹ và Liên minh châu Âu đã và đang áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và bản thân châu Âu cũng đang phải đối mặt với “thế khó” của lệnh trừng phạt, mục tiêu này dường như cũng khó có thể thành công.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có mặt tại Brussels, Bỉ, nơi đặt trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) để tham dự hàng loạt cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Sau đó, ông Joe Biden dự kiến sẽ đến Ba Lan, nước đồng minh có chung biên giới với Ukraine.
Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, mục tiêu chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ là tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các nước đồng minh châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ nhằm gia tăng sức ép với Nga.
"Tổng thống Biden sẽ cùng các đối tác áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Nga. Ông cũng sẽ làm việc với các đồng minh trong dài hạn để điều chỉnh sự hiện diện của NATO ở sườn phía Đông. Ông cũng sẽ công bố hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng châu Âu và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga”, ông Jake Sullivan nói.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Nga tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận….. Đáng lưu ý là việc Mỹ mới đây đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu – một nguồn thu ngoại tệ lớn của Nga. Tuy nhiên, châu Âu đến nay vẫn tránh điều này.
Theo đánh giá của giới quan sát, châu Âu dường như đã đạt tới giới hạn của các lệnh trừng phạt Nga. Do vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga nên Liên minh châu Âu không thể dễ dàng cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, như Mỹ và Anh. Đây được xem là “lỗ hổng lớn” trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm gia tăng sức ép với Nga thời gian qua.
Việc quá phụ thuộc vào năng lượng Nga khiến Liên minh châu Âu và Mỹ bị hạn chế trong những biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, bản thân nội bộ của Liên minh châu Âu hiện cũng đang chia rẽ về vấn đề có trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga hay không. Do đó, rất khó để Liên minh châu Âu có thể đưa ra được tiếng nói chung với Mỹ trong vấn đề này.
Ngoài việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, trong các cuộc họp sắp tới, Mỹ và đồng minh dự kiến cũng sẽ đánh giá liệu có nên loại Nga khỏi danh sách thành viên G20 hay không. Theo một số nguồn thạo tin, nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm G20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia và những nước khác phủ quyết. Thậm chí có tin đồn, một số thành viên G20 có thể sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị G20 năm nay.
Với thực tế này, giới phân tích nhận định, chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng dường như khó thành công. Có lẽ thành công duy nhất của chuyến đi này là việc ông Biden sẽ công bố với các đồng minh về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào hàng trăm nghị sĩ của Nga. Gói trừng phạt mới này dư kiến sẽ được Tổng thống Mỹ công bố trong các cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu và nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới trong những ngày tới./.