Nổi đóa với Canada, Saudi Arabia muốn “dằn mặt” đồng minh khác
VOV.VN - Bất chấp lời kêu gọi “hạ nhiệt căng thẳng” từ các nước đồng minh phương Tây, Saudi Arabia vẫn đưa ra biện pháp “cứng rắn” với Canada.
Bất chấp những lời kêu gọi “hạ nhiệt căng thẳng” với Canada từ các nước đồng minh phương Tây, Saudi Arabia hai ngày nay tiếp tục đưa ra các biện pháp “cứng rắn” chống lại quốc gia Bắc Mỹ này, khi nhận được sự ủng hộ từ những quốc gia Arab anh em của mình.
Việc Saudi Arabia bắt giam nhà hoạt động Samar Badawi (giữa) là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao với Canada. (Ảnh: AFP). |
Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên Saudi Arabia lại “nổi đóa” với Canada khi “đụng đến” vấn đề nhân quyền của Riyadh, mà đây còn là “phép thử” các nước đồng minh khác của Saudi Arabia và là lần “dằn mặt” giới chính trị phương Tây vốn luôn chỉ trích Riyadh về những chính sách nội bộ của nước này.
Nhận định về những căng thẳng mới đây giữa hai đối tác lớn của Mỹ là Canada và Saudi Arabia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm qua (7/8) cho biết: “Đối với mối quan hệ Saudi Arabia - Canada, chúng tôi xác định chính phủ Saudi Arabia là bạn, là đối tác, cũng giống như Canada. Cả hai nước cần phải giải quyết các bất đồng với nhau thông qua đối thoại. Chúng tôi không thể làm điều đó thay họ, nhưng sẽ khuyến khích họ giải quyết các bất đồng này. Đây là vấn đề ngoại giao và Saudi Arabia – Canada chắc chắn có thể cùng nhau giải quyết”.
Giống như Mỹ, Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày cũng đã hối thúc Saudi Arabia và Canada kiềm chế, bình tĩnh giải quyết căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi này, chính phủ Saudi Arabia vừa tiếp tục ban hành thêm các biện pháp chống lại Canada như ngừng nhập khẩu các loại sản phẩm lúa mì có nguồn gốc từ quốc gia Bắc Mỹ này, dừng các chương trình điều trị y tế tại Canada với việc chuyển tất cả các bệnh nhân Saudi Arabia từ Canada sang một quốc gia khác để điều trị.
Trên thực tế, vấn đề nhân quyền tại Saudi Arabia từ lâu không còn là một câu chuyện mới bị các nhà chính trị phương Tây đem ra bàn luận. Từ việc Quốc vương Salman phế truất chức vụ Thái tử của cháu trai mình là Muhammad bin Nayef để đưa con trai ông là Mohammed bin Salman lên, cho đến cuộc chiến chống tham nhũng “chưa từng có” trong lịch sử quốc gia Trung Đông này hồi năm ngoái.
Dù truyền thông trong nước lên tiếng ủng hộ, song hai sự kiện lớn này trong quá khứ của Saudi Arabia vẫn bị nhiều nghị sĩ phương Tây, bao gồm cả Anh và Mỹ, kịch liệt lên án do nghi ngờ vụ việc là cuộc chiến quyền lực trong hoàng gia.
Nhiều quan chức chính phủ Mỹ và Anh trước đó thậm chí còn kêu gọi ngừng hợp tác quân sự với Saudi Arabia bởi hành động can thiệp quân sự của cường quốc Trung Đông này tại Yemen. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn “im tiếng” và tiếp tục hợp tác với các quốc gia này.
Chính vì lẽ đó, trước phản ứng được cho là “quá cứng rắn” của Saudi Arabia đối với tuyên bố của Canada kêu gọi thả các nhà hoạt động nhân quyền mà Saudi Arabia bắt giữ, giới phân tích quốc tế cho rằng, Canada chỉ là quốc gia “thí mạng” để Saudi Arabia thỏa mãn ý đồ “dằn mặt” các nước đồng minh phương Tây nói trên, rằng không nên can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.
Tờ báo Người Bảo vệ của Anh nhận định, Saudi Arabia đã chọn Canada để cảnh báo các đồng minh lớn của nước này, bởi một lý do chính – là Saudi Arabia sẽ đỡ “thua thiệt” nhất vì các hợp tác thương mại hàng năm với Canada chỉ là 4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các hợp tác của Saudi Arabia với các nước châu Âu và Mỹ.
Dự báo, các động thái phản ứng của Saudi Arabia dành cho Canada sẽ tiếp tục được đưa ra trong những ngày tới bởi lẽ dường như nước này đã nhận được những thành công “bước đầu” cho ý định của mình, khi mà các nước phương Tây phản ứng “yếu ớt” trước sự việc.
Saudi Arabia và Canada leo thang “khủng hoảng ngoại giao”
Trong khi đó, các nước Arab anh em của Saudi Arabia là Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đều đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Saudi Arabia trong những căng thẳng với Canada.
Trước đó, ngày 5/8 vừa qua, Saudi Arabia đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Canada, đồng thời trục xuất luôn Đại sứ Canada tại nước này về nước sau các tuyên bố kêu gọi thả cả nhà hoạt động nhân quyền bị Saudi Arabia bắt giữ.
Hợp tác thương mại, giáo dục song phương bị đóng băng, các chuyến bay đến và đi tới sân bay quốc tế lớn nhất Canada tại thành phố Toronto bị ngừng lại. Với các hành động ngừng nhập khẩu các mặt hàng lúa mì cũng như các chương trình điều trị y tế, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Canada tiếp tục leo thang./.