Nước Pháp chính thức suy thoái
(VOV) - Đó là kết luận của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Pháp (INSEE) vừa công bố ngày 15/5.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 4 năm nước Pháp rơi vào suy thoái, sau các giai đoạn năm 2009 và 2012.
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp, tổng sản phẩm quốc nội của Pháp ở mức -0,2 % trong quý đầu năm nay. Như thế nền kinh tế Pháp ở mức âm trong hai quý liên tiếp và chính thức bị coi là rơi vào suy thoái. Mặc dù vậy, chính phủ Pháp vẫn cam kết sẽ giữ mức tăng trưởng 0,1% trong cả năm 2013.
Tổng thư ký nghiệp đoàn lao động Pháp Laurent Berger nhận định: tin mới của nền kinh tế Pháp gây thất vọng cho cả thế giới, dù vậy, không hề bất ngờ. Theo ông Laurent Berger, tình hình suy thoái càng buộc nước Pháp phải đặt ưu tiên hàng đầu cho thúc đẩy việc làm.
Mathieu Plane, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Pháp (OFCE) cũng cho rằng tin mới không có gì bất ngờ.
“Chúng ta thấy rõ tin mới hoàn toàn không bất ngờ, mà khá lô gic khi liên tiếp các năm 2011, 2012, chúng ta đã thấy những sự sụt giảm và sang năm 2013 càng nặng nề,” Plane nói. “Từ sản xuất, đến tiêu dùng, đầu tư, đều sụt giảm mạnh. Không có động lực cho tăng trưởng và do đó, việc rơi vào suy thoái cũng là điều dễ hiếu.”
Mức độ nghiêm trọng
(nguồn: Insee, Dares; ảnh: Reuters) |
Phân tích tình hình suy thoái, các chuyên gia của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp nhận định mức sản xuất của nền kinh tế Pháp đang ở “điểm chết” và mức tiêu dùng của các hộ gia đình rơi xuống mức kỷ lục -0,9% trong năm 2012. Thêm vào đó, các khoản đầu tư giảm trong quý thứ 5 liên tiếp và sản lượng xuất khẩu của nước Pháp cũng giảm.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan rằng tình trạng suy thoái của nền kinh tế Pháp hiện nay chỉ là ngắn hạn. Theo Ngân hàng Trung ương Pháp, nền kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý hai năm nay. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng kịch bản 3 quý tăng trưởng âm liên tiếp sẽ không xảy ra với nước Pháp.
Hậu quả?
Tin tức không mấy tốt lành đối với nền kinh tế Pháp dĩ nhiên sẽ có những tác động tiêu cực. Tác động đối với việc làm, đối với ngân sách tài khóa và cả tác động về chính trị. Tổng thống Pháp Francois Hollande – đang có chuyến công du tại Brussels để trình bày kế hoạch kinh tế của mình, dĩ nhiên sẽ phải tính đến tin tức đáng buồn mà Viện Thống kê Quốc gia Pháp đưa ra và sẽ phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Theo chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Pháp (OFCE) Henri Sterdyniak, sản phẩm quốc nội cứ sụt giảm một điểm thì ngân sách cho chính phủ sẽ sụt giảm 1 tỷ euro.
Và một lần nữa, chính phủ của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Jean Marc Ayrault lại hứng chịu sự chỉ trích nặng nề. Chủ tịch đảng trung dung Moderm, cựu ứng cử viên tổng thống Francois Bayrou nhận định: “Cần có thay đổi sâu sắc trong tâm thức. Tôi đã thấy đâu đó manh nha những tuyên bố chính trị theo hướng này. Đó là phải biến suy nghĩ của một số người chỉ chống đối và phản kháng thành sự đoàn kết toàn quốc gia. Khi đó, nước Pháp mới có thể vững tiến về phía trước.”
Ông Francois Bayrou cũng tuyên bố những công cụ mà Tổng thống Francois Hollande đang có là chưa đủ và cần có một chính sách tái kiến thiến quốc gia và tiến hành những cải cách lớn.
Như vậy, tiếp theo một loạt vấn đề từ vụ nhập nhèm thuế khóa của Bộ trưởng ngân khố Cahuzac đến bạo loạn tối 13/5, kết luận “suy thoái” là đòn giáng liên tiếp làm suy yếu chính phủ của ông Hollande - vị tổng thống có mức độ ủng hộ thấp nhất sau 1 năm cầm quyền trong nền cộng hòa thứ 5 của Pháp./.