Obama hứa hẹn không nghe lén đồng minh Đức
VOV.VN -"Chừng nào tôi còn là Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Đức không cần phải lo lắng về điều đó"
Reuters cho biết, hôm thứ Bảy (18/1) Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với người dân và người đứng đầu chính phủ Đức rằng ông sẽ không để cho chương trình giám sát tình báo phá hỏng mối quan hệ giữa 2 nước, và sự khác biệt về quan điểm giữa 2 nước không phải là lý do để thực hiện việc “nghe lén”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên truyền hình Đức, Tổng thống Mỹ Obama đã đề xuất hàn gắn lại mối quan hệ giữa 2 nước bị sứt mẻ hồi năm ngoái, mà nguyên nhân là do các phương tiện truyền thông đã trích dẫn các thông tin tình báo được tiết lộ rằng Washington đã theo dõi công dân Liên minh châu Âu và nghe lén cả điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu về Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) tại Washington ngày 17/1/2014 (Reuters) |
"Tôi không thể làm hỏng mối quan hệ này chỉ vì các biện pháp giám sát gây mất lòng tin giữa chúng ta", Obama nói với kênh truyền hình ZDF.
"Chừng nào tôi còn là Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Đức không cần phải lo lắng về điều đó", ông nói thêm.
Cuộc phỏng vấn diễn ra một ngày sau khi Obama cấm chương trình nghe trộm của Mỹ thực hiện với các nhà lãnh đạo đồng minh thân cận, một trong số các biện pháp cải cách mà Tổng thống Mỹ tiến hành sau những tiết lộ của cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden.
Ý kiến của ông Obama nêu ra hôm thứ Bảy là lời khẳng định rõ ràng nhất của ông rằng Đức là một trong các đồng minh thân cận như vậy.
Thủ tướng Đức Merkel và ông "có thể không phải lúc nào cũng đồng quan điểm về chính sách đối ngoại, nhưng điều đó không phải là lý do để thực hiện việc nghe lén", Reuters trích dẫn lời ông trả lời phỏng vấn trên ZDF.
Nhà lãnh đạo Đức cáo buộc Mỹ xúc phạm lòng tin một cách không thể chấp nhận được, sau khi có những cáo buộc về việc Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà vào tháng Mười. Thủ tướng Merkel đã gọi điện cho Tổng thống Obama và nói rằng việc nghe lén là không thể chấp nhận được. Berlin sau đó đã thúc ép Washington ký một thỏa thuận "không gián điệp".
Tổng thống Mỹ Obama đã xin lỗi ngắn gọn về các cáo buộc và phát biểu khẳng định tầm quan trọng của công việc tình báo Mỹ đối với an ninh quốc tế.
Có thể chương trình giám sát đã "vượt quá chức năng, vươn tới các quốc gia khác", ông nói, nhưng điều đó cũng có ý nghĩa là một "trách nhiệm đặc biệt đối với Hoa Kỳ " .
"Tại sao chúng ta cần các công tác tình báo nếu họ chỉ phát hiện ra điều bạn có thể đọc trên tạp chí Spiegel hoặc báo New York Times?", ông hỏi.
"Nếu xác định, những hoạt động này được thực hiện nhằm tìm hiểu xem mọi người đang lên kế hoạch thế nào, họ suy nghĩ gì, mục đích của họ là gì. Thì điều đó đang hỗ trợ các mục tiêu ngoại giao và chính trị của chúng ta".
Theo Reuters, ngay cả khi Nhà Trắng đưa ra thời hạn cho kế hoạch cải cách an ninh trong tuần này, báo chí vẫn đưa tin rằng Cơ quan an ninh quốc gia đang thu thập gần 200 triệu tin nhắn văn bản một ngày từ khắp nơi trên thế giới và đã gắn phần mềm gián điệp trong gần 100.000 máy tính để do thám.
Cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden, hiện đang sống ở tị nạn ở Nga, đang bị truy nã về tội làm gián điệp, mặc dù một số người Mỹ muốn Snowden được ân xá sau khi đã tiết lộ các bí mật mà họ cảm thấy cần thiết phải được công khai./.