Ông Obama công kích Tổng thống Putin, nói ông Putin đang phá hủy nước Nga
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama tố Tổng thống Nga Vladimir Putin làm suy yếu nền kinh tế Nga để tái lập các vinh quang thời kỳ Xô viết.
Tổng thống Mỹ Obama (ảnh: allenbwest) |
Bế mạc hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, các lãnh đạo của Nhóm bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng chiến sự ở miền đông Ukraine, nơi lực lượng nổi dậy đã đụng độ vũ trang với quân đội Kiev, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 4.
Những ngôn từ mạnh bạo nhất là của ông Obama. Tại một buổi họp báo ông này phát biểu rằng người dân Nga đang phải hứng chịu nặng nề vì các chính sách của ông Putin.
Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ 2 của nhóm G7 không có sự tham gia của Nga do nước này bị tẩy chay sau khi Moscow cho sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Tổng thống Obama chỉ trích gay gắt Tổng thống Putin: “Ông ta phải đưa ra quyết định. Liệu ông ta cứ tiếp tục tàn phá nền kinh tế của nước mình và tiếp tục làm cho nước Nga bị cách ly khi theo đuổi tham vọng đầy cố chấp là lập lại các vinh quang của đế chế Xô viết, hay ông ta nhận thức được rằng sự vĩ đại của nước Nga không phụ thuộc vào việc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước khác?”.
Điện Kremlin cho rằng việc ông Putin không hiện diện tại Hội nghị thượng đỉnh G7 không có vấn đề gì vì ông Putin ưa thích các “mô hình” khác hiệu quả hơn và phản ánh tốt hơn sự cân bằng quyền lực kinh tế toàn cầu.Bà Merkel và ông Obama tại Đức (ảnh: CSMonitor) |
Hãng tin RIA của Nga dẫn lời phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “Giờ không thể tụ tập 7 hay 8 người lại để thảo luận một cách hiệu quả các vấn đề toàn cầu”.
Các nguồn tin G7 cho hay, khủng hoảng Ukraine và cách xử sự với nước Nga chiếm tới 2/3 nội dung thảo luận vào tối hôm 7/6.
Một nguồn tin mô tả nền kinh tế Ukraine là thảm họa, và các lãnh đạo đồng thuận rằng nước này không được phép sụp đổ.
Theo các nguồn tin, các nhà lãnh đạo Stephen Harper của Canada và Shinzo Abe của Nhật Bản đã viếng thăm Kiev trước thềm Hội nghị G7 và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thống Petro Poroshenko.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với phóng viên rằng các lệnh trừng phạt Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga và lực lượng nổi dậy tại Ukraine thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.
Nhưng mặt khác bà Merkel cũng cảnh báo: Châu Âu và Mỹ sẵn sàng nâng mức độ trừng phạt và điều này là cần thiết trong bối cảnh lực lượng ly khai chiếm thêm lãnh thổ ở miền đông Ukraine./.
>> Xem thêm: Ukraine “bắn đại bác” vào quá khứ để tuyệt giao với Nga